Tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

20/08/2024 07:44 Văn hóa
Nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi "Sáng kiến thanh niên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững" năm 2024.

Bảo vệ môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Vai trò của lực lượng thanh niên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, cụ thể nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã khẳng định: "Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước".

Nhận thức được vai trò và trách nhiệm lớn lao ấy, tầng lớp thanh niên Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng để đóng góp cho xã hội. Không chỉ là lực lượng xung kích trong mọi “mặt trận”, mọi lĩnh vực, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, mà ngay cả trong “mặt trận bảo vệ môi trường” thì tầng lớp này cũng tham gia rất nhiệt tình và tích cực. Từ các phong trào: “Ngày thứ 7 tình nguyện, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày Môi trường thế giới, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”... đến các hoạt động cụ thể như: Quét dọn, thu gom và xử lý rác thải; khơi thông cống rãnh, kênh mương, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; tu sửa đường giao thông,… tầng lớp thanh niên Việt Nam đã tỏ rõ ưu thế của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường tại cộng đồng.

Nhằm lan tỏa, phát huy hơn nữa tinh thần xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2024, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi "Sáng kiến thanh niên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững".

Cuộc thi nhằm tìm kiếm những sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu nhi nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ý tưởng xây dựng các mô hình hoặc tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như bảo vệ và phục hồi môi trường sống: giảm thiểu chất thải, tái chế và xử lý chất thải một cách bền vững; bảo vệ và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phục hồi môi trường: giảm thiểu sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa hiệu quả; hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học...

Sáng kiến nhằm phát huy vai trò và duy trì hiệu quả hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối tượng dự thi là các thành viên Đội thanh niên thế hệ Xanh, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên của 14 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Giang, Ninh Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Thừa Thiên Huế; là công dân Việt Nam có độ tuổi không quá 35; người dự thi có thể thi theo cá nhân hoặc theo nhóm (không quá 3 thành viên/nhóm).

5 sáng kiến xuất sắc nhất được trao giải và hỗ trợ kinh phí triển khai 45 triệu đồng/sáng kiến. Theo đó, các sáng kiến đề xuất phải có tính ứng dụng và triển khai thực tế.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động