Cần Thơ: Khởi động Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường”

10/06/2024 11:03 Phát triển Công nghiệp môi trường
Ngày 7/6, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Lễ khởi động Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường”.

UBND TP. Cần Thơ cho biết, thời gian thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường”. dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến năm 2028, được triển khai bởi Sở Y tế TP Cần Thơ. Các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án bao gồm cán bộ trong lĩnh vực y tế (bao gồm cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở), nông nghiệp, môi trường của thành phố, và cư dân tại 5 xã thí điểm trong thành phố. Dự án nhận tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ.

Theo CDC Cần Thơ, mô hình Một sức khỏe (One Health) là cách tiếp cận sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật và môi trường chung. Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức nhằm nâng cao năng lực cấp tỉnh, thành phố trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó trước các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu.

Đồng thời tăng cường thực hiện các chiến lược điều phối tiếp cận Một sức khỏe và nguồn nhân lực trong lĩnh vực Một sức khỏe tại TP Cần Thơ. Cụ thể, Dự án hướng đến xây dựng các chiến lược hiệu quả cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực Một sức khỏe của ba ngành y tế, nông nghiệp và môi trường tại TP Cần Thơ; xây dựng và thực hiện thí điểm các mô hình chống chịu và ứng phó với khí hậu và Một sức khỏe tại TP Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, biến đổi khí hậu đang là một thách thức toàn cầu, tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống. Với vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, TP Cần Thơ là điểm đến quan trọng của người di cư từ các thành phố khác trong khu vực, và là đầu mối vận chuyển của người dân, hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến TP Hồ Chí Minh và các nơi khác.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiểu rõ các thách thức đó, thành phố cũng đã sớm ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Cần Thơ”. Các hoạt động dự kiến trong khuôn khổ của dự án này phù hợp với tầm nhìn của Kế hoạch hành động của thành phố.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, buổi Lễ khởi động ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng trong việc thiết lập sự tin tưởng hợp tác giữa các bên và ông Nguyễn Thực Hiện bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa TP Cần Thơ, USAID, UNDP, các cơ quan chức năng và các bên liên quan khác, dự án này sẽ đạt được thành công và góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng một thành phố khỏe mạnh, an toàn và phát triển bền vững.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP và USAID cam kết hợp tác với Việt Nam về tăng cường năng lực phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các bệnh mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu và các vấn đề sức khỏe cộng đồng liên quan. Vì vậy, Dự án này sẽ hỗ trợ chính quyền TP Cần Thơ thiết kế và thực hiện các sáng kiến Một sức khỏe mới liên quan đến biến đổi khí hậu với sự tham vấn của các bên liên quan tại địa phương, bao gồm các doanh nghiệp và hội phụ nữ.

Bà Ramla Khalidi mong muốn khi Dự án được triển khai sẽ mở rộng các lựa chọn chăm sóc sức khỏe từ xa để tăng cường khả năng tiếp cận sức khỏe cũng như phát hiện và kiểm soát sớm bệnh tật; nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế ban đầu để hỗ trợ tính liên tục của các dịch vụ trong thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, thông qua Dự án, chính quyền địa phương và hệ thống y tế sẽ được trang bị khả năng ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng do khí hậu gây ra, cũng như việc hợp tác chặt chẽ với các ngành nông nghiệp và môi trường.

Nguyễn Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động