Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

28/11/2023 08:12 Tăng trưởng xanh
Thời gian qua, nhờ sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và sự nỗ lực của chính quyền các cấp cùng cơ quan chuyên trách, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các Khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến hết tháng 11/2023, tỉnh Vĩnh Phúc có 16 KCN đã thành lập và Quyết định chủ trương đầu tư (riêng KCN Phúc Yên chưa có chủ đầu tư dự án), trong đó có 08 KCN đi vào hoạt động.

Trong quá trình vận hành, chất thải từ hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã tác động không nhỏ đến môi trường xung quanh. Theo đó, nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp gia tăng ở hầu hết các DN, từ đó gia tăng lượng nước thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
Nhờ sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan chuyên trách, nên công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các Khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực tế tại các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện nay đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung (riêng KCN Bá Thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung đã xây dựng xong đang trong quá trình vận hành thử) với quy mô xử lý đạt 21.800 m3/ngày/đêm. Bên cạnh đó các chủ đầu tư đều dành trên 20% diện tích toàn khu để xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống cây xanh, mặt nước (riêng cây xanh đạt trên 10%) đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho một KCN kỹ thuật cao.

Lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất do các DN thứ cấp phải chịu trách nhiệm xử lý đạt quy chuẩn theo quy định của công ty hạ tầng KCN, sau đó được đấu nối và xả thải ra hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đều được các chủ nguồn thải phân loại, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng phù hợp được phép của cơ quan chức năng thu gom, vận chuyển đi xử lý theo đúng quy định về BVMT.

Để từng bước cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tăng cường công tác BVMT trong hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn, hằng năm Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đều tổ chức các lớp tập huấn về công tác BVMT cho 100% các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn. Các nội dung tập huấn là các văn bản về Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật BVMT.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, thông qua công tác tuyên truyền, hằng năm Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc phối hợp với các công ty hạ tầng tiến hành lấy mẫu nước thải và mẫu khí thải để phân tích chất lượng các chỉ tiêu, qua đó đánh giá và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp xử lý không tốt nước thải và khí thải trước khi thải ra môi trường. Kết quả các lần lấy mẫu nước thải và khí thải để phân tích, cơ bản các đơn vị được kiểm tra đều chấp hành tốt các quy định về BVMT.

Ở góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực BVMT, đặc biệt là BVMT từ hoạt động sản xuất công nghiệp, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã tích cực tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các DN đang hoạt động ở các KCN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT.

Theo quy định của Luật BVMT, các DN sản xuất, đặc biệt là các DN ở các KCN phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bố trí nguồn nhân lực và trang thiết bị để chủ động ứng phó khi xảy ra các sự cố môi trường từ quá trình sản xuất.

Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết: Trong những năm qua, công tác BVMT khu công nghiệp vẫn là một trong các vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh như hiện nay, số lượng các KCN được thành lập để thực hiện thu hút các dự án đầu tư công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường. Các quy định về BVMT được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác BVMT tại các KCN.

“Tại Vĩnh Phúc, công tác BVMT tại các KCN những năm qua được triển khai thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, các cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các địa bàn tập trung nhiều KCN. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; giám sát chặt chẽ việc khắc phục các vi phạm về môi trường. Phối hợp cơ quan chức năng áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về BVMT; bảo đảm việc thành lập và phát triển KCN ở địa phương tuân thủ đúng với quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đặc biệt địa phương kiên quyết không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thứ cấp khi KCN chưa có hạ tầng kỹ thuật về BVMT” – ông Thành cho biết thêm.

Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc còn tham mưu cấp trên có nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; tham mưu các chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các KCN và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KCN. Hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trong việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp, cam kết về BVMT...

Nói về phương hướng thời gian tới, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc Vũ Kim Thành cho biết, đơn vị cùng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật BVMT, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại để doanh nghiệp ý thức hơn và quan tâm hơn nữa đến công tác BVMT, nhằm từng bước cải thiện chất lượng môi trường sản xuất, kinh doanh, hướng tới những mô hình công nghiệp xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu thế của thế giới và Việt Nam../.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động