Cần cơ chế “trợ lực” để xây dựng ngành Công nghiệp tự chủ

21/06/2023 09:00 Chính sách - Pháp luật
Công nghiệp là ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp Việt Nam còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, cần thêm nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để “trợ lực” cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.

Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng của doanh nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25% và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, đặt nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mục tiêu khá thách thức nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Đặc biệt, vai trò của các doanh nghiệp trong nước cần được nhìn nhận và phát huy hiệu quả hơn để có thể xây dựng được một nền công nghiệp tự chủ.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có những bước chuyển mình tích cực

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành công nghiệp Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, tức là đưa ngành công nghiệp Việt Nam trở thành một ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách ngân sách của nhà nước và là một ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đây cũng là ngành cũng là một ngành xuất khẩu chủ lực và có mức tăng trưởng đều qua các năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cũng có rất là nhiều hạn chế, nội lực của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu.

"Thực trạng doanh nghiệp trong sản xuất cũng như về nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại và hiện nay chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh để có cái giá trị gia tăng cao. Chúng ta sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu nên sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao", ông Phạm Tuấn Anh nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép Việt Nam từ nền công nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất 25 triệu tấn thép thô/năm, từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay Việt Nam vươn lên, là một quốc gia xuất khẩu hàng chục tỷ USD; cụ thể năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 14 triệu tấn thép các loại, kim ngạch khoảng 12,7 tỷ USD đến hơn 30 Quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng, bao gồm cả xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải…. Một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn phải nhập khẩu thép làm nguyên liệu đầu vào như thép hợp kim, thép dụng cụ, thép trong các cấu kiện và phụ tùng thiết bị… và dư địa để hợp tác giữa ngành thép với các ngành khác để cung ứng thép thay thế hàng nhập khẩu vẫn còn lớn.

"Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm). Do đó, cần có một ngành công nghiệp trung gian, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ", ông Thái cho hay.

Để phát triển ngành công nghiệp trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới, các chính sách phát triển ngành công nghiệp cần có đề xuất trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.

"Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như là xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những chính sách xây dựng các tập đoàn lớn để dẫn dắt theo các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đi theo", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, Bộ cũng sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp này như hỗ trợ vốn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ về chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

Cùng với đó, theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cần có chính sách về tạo mặt bằng các khu công nghiệp cho ngành sản xuất hóa chất. Đồng thời, Bộ Công Thương có sự hướng dẫn và kết nối đối với các đối tác nước ngoài để làm sao quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hóa chất có hiệu quả thiết thực và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh.

Còn ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng Chiến lược phát triển phát triển ngành thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có các chính sách đặc thù để đảm bảo ngành thép Việt Nam phát triển nhanh bền vững phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển quốc gia.

Cùng với đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân có sử dụng thép làm vật liệu.

Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế có sử dụng thép nội địa làm vật liệu ưu tiên sử dụng thép Việt Nam dùng hàng nội địa. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các chính sách bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước để đảm bảo cho ngành thép Việt Nam phát triển nhanh, mạnh về hướng xanh và phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu.

Dương Mỹ
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động