Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030

27/08/2019 10:04 Tăng trưởng xanh
Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Truy quét lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới: Cam kết ở mức độ cao và toàn diện
chien luoc so huu tri tue den nam 2030
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đề ra 5 mục tiêu, 9 nhiệm vụ, giải pháp. (Ảnh minh họa)

Đó là một trong những mục tiêu của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019.

Chiến lược còn nhằm tới những mục tiêu khác là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể. Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.

Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Cụ thể: Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 - 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đáng kể; phát triển được một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh, gia tăng đáng kể đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng GDP; chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Để đạt những mục tiêu nêu trên, Chiến lược đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Trong đó, đáng chú ý là thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Triển khai hiệu quả cơ chế khuyến khích các cá nhân tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ và sáng tạo văn hóa. Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.

Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.

Xem toàn văn Chiến lược tại đây.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động