Vĩnh Phúc: Tập trung giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược

13/10/2024 07:11 Kinh tế, xã hội
Trong bối cảnh các địa phương trên cả nước đều chuyển động, có các chính sách riêng biệt hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, tiềm lực tài chính hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn. Qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững các khu công nghiệp (KCN) nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2050 tỉnh Vĩnh Phúc có 29 KCN với tổng diện tích 5.490 ha.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN được thành lập, tổng diện tích hơn 3.140 ha, trong đó có 9 khu đi vào hoạt động, thu hút 495 dự án còn hiệu lực.

Vĩnh Phúc: Tập trung giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực.

Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy, chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60 - 65%.

Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án, số vốn đầu tư với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 38% tổng vốn đầu tư vào các KCN.

Hoạt động đầu tư xây dựng KCN, công tác quản lý Nhà nước đối với KCN trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, chất lượng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN chưa cao, chưa có nhiều nhà đầu tư quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược; năng lực của một số chủ đầu tư hạ tầng còn hạn chế về tài chính, về xúc tiến đầu tư và kinh nghiệm quản lý làm chậm tiến độ đưa KCN vào hoạt động; tính cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư vào các KCN bị giảm dần.

Những năm mới tái lập, tỉnh đã thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Piaggio…

10 năm qua, số lượng các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh không nhiều, mà chủ yếu là các dự án tại chỗ tăng quy mô, chưa có dự án lớn mang tính dẫn dắt so với một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện còn những tồn tại, hạn chế mang tính riêng biệt như một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật được ủy quyền, phân cấp cho Ban Quản lý các KCN thực hiện như thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường hoặc cấp, cấp lại, gia hạn, xác nhận không thuộc diện cấp phép, thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam... không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn gây khó cho Ban trong việc theo dõi, quản lý, cập nhật số liệu lao động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong các KCN.

Vĩnh Phúc: Tập trung giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Lắp ráp ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc.

Theo bà Đàm Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane, chủ đầu tư KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần hướng đến những nhà đầu tư có giá trị hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư lớn, sử dụng ít năng lượng hóa thạch, giảm thiểu phát thải, quy trình kinh tế tuần hoàn, công nghệ sạch.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, phát triển các KCN phải chuyển hướng theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu khách quan và thực tiễn, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong quản lý và xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đang nghiên cứu, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh về định hướng phát triển các mô hình KCN mới theo hướng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái.

Khẩn trương tổ chức lập quy hoạch xây dựng KCN theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ và các quy định có liên quan làm căn cứ thực hiện các thủ tục để thu hút đầu tư phát triển KCN.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hút các dự án quy mô lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án theo hướng công nghệ cao, trong đó ưu tiên dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ AI… để góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Tham mưu UBND tỉnh tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhà đầu tư thứ cấp phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, quan điểm, định hướng phát triển công nghiệp; thực hiện giám sát đầu tư phát triển các KCN chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư hạ tầng các KCN; giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, trong 9 tháng năm 2024, các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Phúc tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics.

Lãnh đạo tỉnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore..

Thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng năm 2024 đạt kết quả cao với tổng số vốn ước tính đạt khoảng 507,94 triệu USD (cấp mới cho 28 dự án với tổng vốn đầu tư 180,7 triệu USD; 30 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng 327,3 triệu USD), tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch năm (mục tiêu năm 2024 thu hút 400 triệu USD).

Trong đó có 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Bên cạnh đó, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) tại Vĩnh Phúc cũng có những kết quả ấn tượng, với số vốn đầu tư DDI trong 9 tháng qua ước tính đạt 4.640,2 tỷ đồng (trong đó cấp mới 13 dự án với tổng mức đầu tư 3.173, 4 tỷ đồng), đạt 84,4% kế hoạch năm 2024 (5.500 tỷ đồng).

Lũy kế đến hết 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 473 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; 844 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142,5 nghìn tỷ đồng; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh tính đến 15/9/2024 là 1.093; số doanh quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh là 288, đưa tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 1.381.

Minh Phú – Lưu Nhung
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động