Để hồi sinh những dòng sông “đen” trên địa bàn thành phố Hà Nội
5 dòng sông của thủ đô đang dần bị "bức tử" |
Những dòng sông “đen”
Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 5 dòng sông chính làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho thành phố. Do tốc độ xây dựng nhanh, dân số tăng nhanh cũng như vấn đề xả thải vào dòng sông không được kiểm soát nên các dòng sông với chức năng chính tiêu thoát nước giờ đây đã dần trở thành những dòng sông “đen”, thiếu vắng sự sống của các sinh vật, đặc quánh vì nước thải và rác rưởi.
Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6 km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Con sông này được nạo vét và kè 2 bên bờ vào năm 2003. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Rác thải, nước thải và tất cả mọi thứ con người thải ra đều vứt thẳng xuống lòng sông, khiến nước con sông này luôn ở trong tình trạng đặc quánh và gần như đứng lặng im... đây là sông được đánh giá là ô nhiễm nặng nhất của Hà Nội.
Nếu Tô Lịch là dòng sông ô nhiễm nhất Hà Nội thì sông Nhuệ với tỷ lệ nước thải sinh hoạt tiếp nhận chiếm rất lớn so với tất cả các nguồn nước thải khác gộp lại, hầu hết đều không được xử lý. Lượng nước thải khác do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề .... cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nước của con sông này.
Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề. Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào nhiều thời điểm, sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc. Rác thải đổ tràn ngập lấn lòng sông Nhuệ tại địa phận xã Hữu Hòa (Thanh Trì).
Sông Kim Ngưu dài chỉ 7,7 km chảy trong khu vực nội thành Hà Nội, và cũng như hai con sông trên, đây là một dòng sông chết bởi nguồn nước ô nhiễm nặng. Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nhưng này nay chỉ có chức năng là thoát nước cho nội thành Hà Nội. Trên suốt chiều dài dòng chảy có vô số các cửa cống xả thải trực tiếp không qua xử lí. Trung bình cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.
Sông Lừ dài khoảng 10 km, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai). Vào những ngày mưa, nước cuốn trôi rác thải khiến con sông sạch hơn một chút, nhưng chỉ khoảng một tuần sau là lại đen kịt. Dù đứng xa dòng sông hàng trăm mét, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Hầu hết người dân sống ở khu vực này thường xuyên phải đóng cửa, đặc biệt là vào mùa hè, mùa trở gió.
Sông Sét dài hơn 3,6 km, bắt nguồn từ hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), chảy theo hướng Bắc Nam và đổ vào hồ Yên Sở (quận Hoàng Mai). Bất kỳ ai khi lưu thông trên con đường cạnh bờ sông đều cảm nhận được mùi khó chịu bốc lên đến khó thở. Không những vậy, nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất không được xử lý theo các họng cống vẫn xả thẳng ra sông. Mặc dù có công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom rác tại sông, nhưng tình trạng rác thải vẫn không thuyên giảm.
Những nỗ lực chưa đạt kết quả
Từ nhiều năm nay, Chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm làm sạch những con sông đen, hồi sinh những con sông chết, xong chưa lần nào các cấp lãnh đạo thủ đô nhận về được những kết quả tích cực.
Bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước sông Tô Lịch, dòng sông ô nhiễm nặng nhất trong số 5 con sông kể trên. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên con sông này như lắp bè thủy sinh, xây dựng cống bao. Thế nhưng, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, qua hơn 300 cống xả thải trực tiếp, đến nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh.
Đặc biệt, khoảng cuối năm 2019, Chính quyền thành phố đã có dự án kết hợp cùng với Công ty Môi trường Việt Nhật (JVE) nhưng cũng chỉ nhận được tín hiệu khả quan bước đầu. Công ti đã dừng việc thí điểm tại sông Tô Lịch chỉ sau 2 tháng.
Chính quyền thành phố đã có dự án kết hợp cùng với công ty Môi trường Việt Nhật (JVE) nhưng cũng chỉ nhận được tín hiệu khả quan bước đầu |
Đối với các dòng sông nhỏ hơn như sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét, chính quyền thành phố cũng liên tục thực hiện các dự án nạo vét, trùng tu bờ kè, thu gom rác thải, nhưng kết quả cũng vẫn tương tự như đối với sông Tô Lịch.
Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.
Tất cả các dự án khơi thông dòng chảy, nạo vét cũng như tập kết rác của các con sông trên cũng chỉ có tác dụng mang tính thời vụ, bởi phần gốc của vấn đề là việc tập kết nguồn xả thải, ngăn chặn nước thải đổ trực tiếp ra sông vẫn còn là bài toán còn bỏ ngỏ.
Kỳ vọng vào nhiều giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, công tác phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ (bao gồm cả biện pháp công trình và phi công trình) ngay sau khi Luật Tài nguyên Nước 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 01.7.2024 tới.
Theo đó, giải pháp trọng tâm là đánh giá hiện trạng nguồn nước để lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; huy động xã hội hóa trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên...
Luật Tài nguyên Nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan như quy định cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực. Theo đó, luật quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”) nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường; bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa; quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.
Cụ thể, nguồn kinh phí để phục hồi các nguồn nước bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường; nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân.
Các biện pháp công trình gồm: Xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn… để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, giúp các sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho sông khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các biện pháp phi công trình như quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trước khi xả ra các dòng sông cũng đã được quy định đầy đủ và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên các biện pháp quản lý vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Khó khăn rất lớn để triển khai các dự án phục hồi dòng sông “chết” là hạn chế về nguồn lực cho các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình. Với điều kiện về ngân sách nhà nước như hiện nay thì việc huy động được nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân (nguồn xã hội hóa) là rất quan trọng để có thể thực hiện được các dự án phục hồi các dòng sông “chết”. Tuy nhiên để huy động được nguồn lực này, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vừa phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế, phí…
Để đạt hiệu quả cao thì tổ chức, cá nhân phải thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nguồn nước, từ đó được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật một cách tự nguyện, tự giác.
Một góc sông Nhuệ |
Một đoạn sông Kim Ngưu chảy trong khu vực nội thành Hà Nội |
Sông Lừ và vấn nạn ô nhiễm lâu nay vẫn chưa được xử lý kịp thời |
Một đoạn Sông Sét |