Đề xuất các giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ

21/07/2023 07:44 Chính sách - Pháp luật
Sáng 18/7/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ. Đã có nhiều chuyên gia, Bộ, ngành, địa phương đã có đề xuất, kiến nghị về giải pháp, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm này, trong đó nổi bật với sáu giải pháp để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất.

Vùng Đông Nam bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022). Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.

Việc lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ mục tiêu xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số.

Bên cạnh các tham luận của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến môi trường liên ngành, liên vùng; công tác điều tra và quản lý nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm, lập quy hoạch và phân vùng xả thải, thẩm định, cấp phép; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giám sát các nguồn thải lớn tại lưu vực sông đồng thời đề xuất sáu giải pháp để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đưa ra sáu giải pháp để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đưa ra sáu giải pháp để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đông Nam Bộ

06 nhóm giải pháp đưa vùng Đông Nam Bộ bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

Để đảm bảo đạt được mục tiêu “xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng;… đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định”, và các nhiệm vụ, giải pháp khác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đặt ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp:

Nhóm giải pháp thứ nhất, về lập và phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng nhấn mạnh quy hoạch này phải đảm bảo kết nối phát triển kinh tế (thông qua kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp) với bảo vệ môi trường giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; các nội dung về bảo vệ môi trường cần được tiếp cận và điều phối mang tính tổng thể ở quy mô cấp vùng, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố thực hiện bảo đảm hiệu quả và hài hòa.

Trong đó các quy hoạch tỉnh cần xác định rõ các mục tiêu về bảo vệ môi trường như bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng; phân loại chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải; xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, nước thải công nghiệp; quản lý chất lượng môi trường không khí; bảo đảm môi trường sinh thái trong đô thị, khu dân cư tập trung; lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quy hoạch; xác định rõ cơ chế phối hợp, giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến vùng và các tỉnh lân cận; xác định rõ các giải pháp, nhiệm vụ và nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Nhóm giải pháp thứ hai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị vùng tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững: chuyển đổi nhanh sang mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Thực hiện đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Song song với đó tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt chuẩn môi trường gắn với các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhóm giải pháp thứ ba, đề nghị chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường thông qua mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao; thiết lập các cơ chế kiểm soát liên ngành, liên vùng, ngăn chặn các hoạt động phát thải gây hại đến môi trường trong vùng và liên vùng; đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua giấy phép môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, khả năng chịu tải môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Nhóm giải pháp thứ tư, Bộ trưởng Đặng Quốc Khách cho rằng cần tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường, trong đó:

Đối với môi trường nước và lưu vực sông Đồng Nai: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Nhà nước cần xây dựng chương trình đầu tư tổng thể về việc tăng cường đầu tư các nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của khu đô thị, khu dân cư tập trung, trước mắt ưu tiên cho các đô thị có hoạt động xả thải ra lưu vực sông Đồng Nai và xử lý nước thải, cải tạo, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bằng các nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa.

Đối với môi trường không khí: Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải công nghiệp, khí thải giao thông đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn. Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động, trước mắt tại các đô thị lớn; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí theo quy định. Đầu tư, ứng dụng công nghệ để hoàn thiện nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường.

Nhóm giải pháp thứ năm, Các địa phương cần tổ chức quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung đảm bảo thu gom, xử lý được toàn bộ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh, có thể là các Nhà máy xử lý cho liên tỉnh. Tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, thân thiện môi trường kết hợp thu hồi năng lượng đảm bảo giảm tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nhóm giải pháp thứ sáu (thích ứng với biến đổi khí hậu), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị nghiên cứu, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình giúp duy trì và tăng cường “không gian cho sông” và gìn giữ, phát triển “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; khuyến khích gìn giữ, phát triển các không gian trữ nước mưa trong quá trình phát triển đô thị và phải đảm bảo nguyên tắc không mang rủi ro từ nơi này sang nơi khác; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô. Các địa phương trong vùng khẩn trương lập danh mục các hồ, ao, nguồn nước cần bảo vệ; lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; nghiêm cấm lấp sông và hạn chế tối đa việc lấn sông, làm giảm không gian thoát lũ. Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị cần lồng ghép chặt chẽ với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Để các nhóm giải pháp trên thành công, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng công tác công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng trong các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần được đẩy mạnh và huy động toàn thể nhân dân tham gia bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình làm tốt. Công tác bảo vệ môi trường cần được thực hiện thường xuyên liên tục, không ngừng nghỉ.

Hội nghị cũng được nghe đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận liên quan các vấn đề như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; lập quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm vùng gắn với định hướng kết nối đô thị, kết cấu hạ tầng, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam Bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính…

Đánh giá cao các ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng. Hội đồng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng ách tắc giao thông, vấn đề môi trường và vấn đề nhà ở.

TK
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động