Hà Nam: Thực hiện hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

09/10/2024 19:12 Kinh tế, xã hội
Hiện tỉnh Hà Nam đã và đang duy trì cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả, đảm bảo cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp.

Theo đó, để triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số (CĐS), địa phương luôn bám sát thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CĐS một cách quyết liệt. Địa phương đã ban hành một số cơ chế, chính sách về dịch vụ công trực tuyến như: Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của HĐND tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí trong thực hiện một số thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 1414/QĐ-UBND ngày 04/12/2023 của UBND tỉnh thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ bằng hình thức trực tuyến; giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh... Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp chính quyền; sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, công cuộc CĐS nói chung và lĩnh vực cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hà Nam: Thực hiện hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Để triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, tỉnh Hà Nam luôn bám sát thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Cụ thể, Hà Nam đã duy trì hoạt động hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình: Đạt 66,6% (trung bình cả nước đạt 17%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 84,6% (trung bình cả nước đạt 55,1%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 76,56% (trung bình cả nước đạt 49,7%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 93,4% (trung bình cả nước đạt 65,83%).

Là một trong hai địa phương đầu tiên trên cả nước (cùng với Hà Nội) được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm 02 nhóm dịch vụ công liên thông từ ngày 22/11/2022. Sau thời gian thí điểm, đến nay Hà Nam là tỉnh thứ 9 hoàn thành kết nối liên thông Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam với các phần mềm liên quan để thực hiện thông suốt, hiệu quả 02 nhóm dịch vụ công liên thông, đáp ứng theo yêu cầu tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, Đăng ký thường trú, Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, Xóa đăng ký thường trú, Giải quyết mai táng phí, tử tuất (hiện nay có 36/63 tỉnh hoàn thành kết nối).

Một trong các yếu tố góp phần vào kết quả trên phải kể đến là hiệu quả triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ Đề án 06 mang lại. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chỉnh tỉnh Hà Nam đã kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 11/2022 để khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Hà Nam: Thực hiện hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Tỉnh Hà Nam đã duy trì hoạt động hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên toàn trình, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Phát huy vai trò là cơ quan chuyên môn, thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh, điều phối các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam đã kịp thời tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình CĐS; xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án về CĐS; thực hiện các nội dung, nhiệm vụ CĐS đã ký kết trong các chương trình phối hợp...

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Nam cho biết: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong các nội dung quan trọng của CĐS và trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhận thức được điều này, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

“Chúng tôi luôn xác định công cuộc CĐS là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động điều hành quản lý của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, để cùng nhau hướng tới một chính quyền số hiện đại, tiện ích, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Với vị trí xếp hạng đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình hiện nay, là một trong các kết quả quan trọng, minh chứng cho sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác CĐS toàn diện của địa phương trong thời gian qua” – Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Nam nhấn mạnh.

Hà Nam: Thực hiện hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu các giải pháp công nghệ, ứng dụng hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số tại Chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày 9/10.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Tỉnh Nguyễn Đức Vượng cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả một số cơ chế, chính sách của địa phương về dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật ổn định, thông suốt; thường xuyên kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các chương trình chuyển đổi số, các chỉ tiêu chủ yếu về dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị... nhằm duy trì, phát huy hiệu quả những kết quả, thành tích đã đạt được trong công tác chuyển đổi số nói chung, lĩnh vực cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói riêng của địa phương trong thời gian qua../.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động