Nam Định chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường luôn được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Nam Định triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp điều kiện thực tiễn góp phần nâng cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Về thăm xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường những ngày này, chúng ta sẽ được chứng kiến những tuyến đường liên thôn, đường ngõ, xóm được trải nhựa và đổ bê tông sạch, đẹp; những hàng cây xanh mát cùng với rực rỡ sắc màu của hoa, mọi người dân đều cảm thấy phấn khởi. Trước đây, cảnh quan môi trường ở thôn chưa được sạch sẽ, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Để xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, cán bộ của xóm đã tổ chức rà soát các tiêu chí nông thôn mới (NTM) để xây dựng kế hoạch triển khai, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân biết và chủ động tham gia. Chỉ một thời gian ngắn phát động, mô hình đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân đóng góp kinh phí để trồng cây xanh, trồng hoa ven đường, lắp đèn chiếu sáng và thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp của người dân xóm 6 đã lan tỏa ra các xóm trong xã. Trong đó, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ đã tích cực tự nguyện hiến đất, tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng để mở rộng đường làng, ngõ xóm; đóng góp ngày công lao động, ủng hộ kinh phí để làm các công trình phúc lợi góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hội Nông dân xã đảm nhận tuyến đường hoa dài 250m và nhận chăm sóc hàng cây với chiều dài 900m, đồng thời phối hợp với các đoàn thể ra mắt mô hình Chi hội sống xanh. Đến nay, đã có 98% số hộ gia đình thực hiện tốt mô hình phân loại rác và trên 1.200 hộ có vườn thực hiện xử lý rác thải bằng thùng ủ, hố ủ, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Trong những năm qua, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường luôn được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Nam Định triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú. |
Còn tại xã Giao Thanh (Giao Thủy) thời gian qua đã thường xuyên duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như ở các xóm Thanh Hùng, Thanh Tân, Thanh Nhân và Thanh Mỹ, rác thải được phân loại tại nguồn và được tổ chức thu gom rác 3 lần/tuần về khu bãi rác tập trung xử lý. Nhân dân đều thực hiện tốt mô hình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ tại nguồn, không xả rác, nước thải ra kênh mương, đồng thời tổ chức tổng vệ sinh mỗi tháng một lần quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Hàng năm, các xóm có kế hoạch rà soát, vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên gia đình, vệ sinh tường bao, tường nhà sạch sẽ. Đường trục chính các xóm đều được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi. An ninh trật tự được đảm bảo, nhân dân hài lòng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn của 4 xóm đạt trên 80%; 100% hộ gia đình có 2 thùng rác riêng biệt; trên 90% số tuyến đường các xóm được trồng cây bóng mát, trồng hoa, hoàn thành các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM sáng - xanh - sạch - đẹp, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ý Yên đã tích cực hưởng ứng chương trình “Mỗi phụ nữ một cây xanh” và “Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Đến nay, các cơ sở Hội Phụ nữ trong toàn huyện đã trồng mới và duy trì chăm sóc 3.810m đường hoa trên 19 tuyến đường, trồng được 2.240 các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây trang trí tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hội Phụ nữ các xã, thị trấn thường xuyên tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào các thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, tổ chức thu gom rác thải tại các khu dân cư, duy trì mô hình dòng sông không rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Trong năm 2023, toàn huyện đã tổ chức 266 buổi thu hút trên 10 nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức. Riêng ở mô hình “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải tại gia đình”, hiện toàn hội có hơn 33 nghìn hộ gia đình hội viên duy trì hiệu quả mô hình. Đặc biệt, thiết thực hưởng ứng phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức chương trình tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa; ra mắt mô hình “Đi chợ bằng làn” và treo biển tuyên truyền tại các điểm chợ và khu vực tập trung đông người tại 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đồng thời hỗ trợ 1.100 chiếc làn nhựa cho cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân.
Để xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, thời gian qua các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động, phong trào tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Trong đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã triển khai và duy trì có hiệu quả hoạt động thu gom rác thải, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, hội viên và nhân dân. Hàng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và các sự kiện liên quan, như: Ngày nước sạch thế giới (23-3), Ngày môi trường thế giới (5-6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (20-9)... được triển khai sâu rộng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường gắn bó với thiên nhiên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường tiếp tục được đẩy mạnh gắn với các phong trào: “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”; “Chống rác thải nhựa”; “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, từ chối sản phẩm không thể tái sử dụng”… Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; vận động nhân dân xây dựng các tuyến phố, khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp; bổ sung những nội dung về bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước để mọi người dân cùng thực hiện. Các nội dung bảo vệ môi trường được đưa vào tiêu chuẩn thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư 5 không”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Gia đình Công giáo gương mẫu”. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình tự quản về môi trường như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”… ở các địa phương đã góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương, nhân dân còn cùng với chính quyền xây dựng, bảo vệ, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; thực hiện không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không đổ phế thải sai quy định; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt; số hộ gia đình có các công trình vệ sinh đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ cao; trên 3.000 khu dân cư không có ô nhiễm môi trường.
Với nhiều mô hình, cách làm hay, công tác bảo vệ môi trường đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định quan tâm, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.