Hà Nội 70 năm sau ngày giải phóng

08/10/2024 13:24 Kinh tế, xã hội
Với mỗi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều rất đỗi tự hào về Tổ quốc, về Thăng Long -Hà Nội, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Sau ngày giải phóng, 70 năm xây dựng và phát triển không chỉ đánh dấu chặng đường đầy tự hào, mà còn là dịp nhìn lại lịch sử hào hùng, tôn vinh thành tựu phát triển Hà Nội đã đạt được.

Không chỉ là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội còn là nơi đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao với tiến trình lịch sử của đất nước. Nhưng có lẽ đối với ký ức mỗi người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đáng nhớ nhất là mùa thu lịch sử năm 1954, những ngày mùa thu lịch sử cả “rừng” người náo nức chào đón đoàn quân trở về tiếp quản Hà Nội, đánh dấu ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng. Có phải vì thế mà mùa thu Hà Nội đã trở nên gần gũi thân thương, để mỗi khi nắng vàng trải trên khắp nẻo phố phường, cờ đỏ tung bay dưới trời thu xanh biếc, người dân thủ đô và cả nước lại xúc động hướng lòng mình nhớ về mùa thu lịch sử năm xưa.

Hà Nội 70 năm sau ngày giải phóng
Hồ Hoàn Kiếm

Những trang sử hào hùng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp được sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ ngày 23/9/1945 và phát động chiến tranh ra cả nước. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Hà Nội 70 năm sau ngày giải phóng

Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quan lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính… Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Trở thành thành phố văn minh, hiện đại và đáng sống

Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đã tạo nên nền văn hiến rực rỡ mang đậm dấu ấn Thủ đô, từ một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế…

Hà Nội 70 năm sau ngày giải phóng
Cụm pano rực rỡ sắc đỏ đối diện cột cờ Hà Nội

Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), thành phố Hà Nội đã vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng mạnh, đạt gần 6.300 USD vào năm 2023, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-8%/năm, đóng góp khoảng 16% GDP và 18,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152 km2 và 43 vạn dân, đến nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần. Không gian đô thị không ngừng dược mở rộng (tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%), phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt trên 12,13%. Hiện Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau Ngày Giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua, thành phố Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối cao. Hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh và hiện đại hóa đã góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo tuyệt đối. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng đã nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới. Thành phố được quốc tế công nhận và vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Hướng tới một Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững. Hà Nội đã đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm; công khai kết quả quan trắc trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Công tác ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Qua đó, bộ mặt đô thị ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp và văn minh hơn.

Hà Nội 70 năm sau ngày giải phóng
Các tuyến phố ở Hà Nội sáng - xanh - sạch - đẹp

Theo quy hoạch, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43 m2/người. Do đó, các không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị được chú trọng, nhiều không gian công cộng theo dạng tích hợp công viên, vườn hoa, quảng trường và hồ nước được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị mới quy mô lớn trên địa bàn thành phố. Thành phố đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp hệ thống vườn hoa, công viên trong khu vực đô thị trung tâm để tạo nên những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của Thủ đô. Cụ thể: Các dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… đã triển khai tiến hành xây dựng; các công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Tuổi Trẻ đã có quy hoạch chỉnh trang, nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại nhằm cân bằng sinh thái, mang đến môi trường sống trong lành và cảnh quan hiện đại, tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi của người dân.

Trong Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065, việc ưu tiên bảo vệ môi trường là 1 trong 7 vấn đề được Bộ Chính trị đặc biệt lưu ý và yêu cầu triển khai cấp bách. Thời gian tới, ngoài hệ thống các giải pháp đang triển khai, Hà Nội sẽ chú trọng đến việc phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô. Đáng chú ý, trong những giải pháp dài hạn, thành phố tập trung phát triển, mở rộng hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề ngập, úng…

Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động