Hải Phòng chú trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

12/11/2023 20:06 Kinh tế, xã hội
Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tích, công tác bảo vệ môi trường cũng luôn được địa phương ra sức thực hiện. Tạp chí Công nghiệp môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố để hiểu thêm về vấn đề này.
Hải Phòng chú trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố?

Ông Bùi Thanh Tùng: Tính đến tháng 6/2023, thành phố Hải Phòng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đến nay, thành phố Hải Phòng là 1 trong 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là 1 trong 6 tỉnh, thành phố có 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và là một trong những tỉnh, thành dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho chương trình. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 04 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu (Sau khi có hướng dẫn của Trung ương). Huyện Cát Hải giữ vững kết quả đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; huyện Bạch Long Vĩ đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù (Sau khi có hướng dẫn của Trung ương).

Có được những thành tích đáng mừng như vậy là nhờ các chủ trương của Trung ương, của thành phố đã trúng, đúng, hợp với lòng dân. Bởi vậy, việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng các công trình gặp nhiều thuận lợi, đạt kết quả cao. Từ năm 2021 tới tháng 6/2023, thành phố đã có tới 16.164 trường hợp tự nguyện tặng cho quyền sử dụng 392.820m2 đất, giá trị ước tính đạt trên 700 tỷ đồng (nếu tính theo đơn giá đền bù), đạt gần 5.000 tỷ đồng (nếu ước tính theo thực tế giá trị đất giao dịch). Một số hộ gia đình tiêu biểu như: hộ bà Trần Thị Ngà (xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo) tặng cho 164m2 đất thổ cư, ước theo giá trị giao dịch khoảng 1,7 tỷ đồng; hộ Bà Trần Thị Lan (xã Hồng Thái, huyện An Dương) tặng cho 120m2 đất thổ cư, ước theo giá trị giao dịch khoảng 3,6 tỷ đồng; hộ ông Mai Xuân Trường (xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) tặng cho 85m2 đất thổ cư, ước theo giá trị giao dịch khoảng 1,4 tỷ đồng.

Phóng viên: Những chính sách hỗ trợ nào, cách làm nào sẽ được Hải Phòng tiếp tục triển khai và phát huy trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Bùi Thanh Tùng:Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cơ chế vận động nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu theo chính sách đặc thù đã được Hội đồng nhân dân ban hành tại Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 về Xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng, mở rộng công trình NTM kiểu mẫu; ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư các công trình, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất hiến tặng của nhân dân.

Đồng thời, tăng cường công tác phân cấp, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM). Kịp thời khen thưởng cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt là các hộ dân có diện tích đất tặng cho lớn để đầu tư, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Trung ương và điều kiện thực tế thành phố; tập trung chỉ đạo hoàn thiện Bộ máy tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các cấp sao cho đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân…) tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong nông nghiệp; phát triển các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tim kiếm cứu nạn, phòng chống cháy rừng, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo vệ sản xuất; xây dựng cổng thông tin chia sẻ dữ liệu nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị quy mô lớn gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó: Ưu tiên bố trí đủ nguồn ngân sách thành phố để bố trí cho các địa phương đầu tư, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch hàng năm và giai đoạn; lồng ghép các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn; huy động hiệu quả tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội; thu hút hiệu quả nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể (tặng cho quyền sử dụng đất, góp ngày công, tiền mặt …).

Phân cấp quản lý các tuyến đường sau đầu tư; chú trọng xây dựng và triển khai, phát triển hiệu quả các mô hình tự quản về giao thông như: “tuyến đường thôn, xóm tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “tuyến đường thanh niên” …

Phóng viên: Xin ông cho biết, vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới được thành phố chú trọng thế nào? Giải pháp mang tính bền vững trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải dân cư khu vực nông thôn?

Ông Bùi Thanh Tùng: Để từng bước giải quyết vấn đề môi trường, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2050; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 25/6/2022 về tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2050.

Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ; các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải đã được triển khai có hiệu quả, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, công tác quản lý biển và hải đảo được quan tâm, bước đầu triển khai có hệ thống; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường được triển khai liên tục, ngày một mở rộng; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường được tổ chức thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa thiết thực.

Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTR) đã đáp ứng yêu cầu của người dân và tốc độ đô thị hóa, không có tình trạng tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt trong các khu dân cư. Việc vận hành các bãi rác chôn lấp cấp thành phố đáp ứng về bảo vệ môi trường, nhiều năm gần đây không để xảy ra sự cố tại các khu xử lý; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn tăng dần qua các năm; đối với chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn y tế, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố cơ bản được thu gom và xử lý đạt 100%.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố và Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 25/6/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể: tăng cường triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đầu tư xây dựng, cải tạo các trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn; rà soát các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo hướng: Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động phải đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; tiến hành đóng bãi sau khi kết thúc hoạt động và xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường theo quy định đề ra.

Với hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của khu dân cư, thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ; từng bước đưa hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt ngày một hoàn thiện.

Xin cảm ơn ông.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động