Hội nghị G7: Kết hợp với các "ông lớn" thời trang bảo vệ môi trường

22/08/2019 10:34 Tác động môi trường
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra ở Biarritz (Pháp) cuối tuần này, các nhà lãnh đạo sẽ làm việc cùng 20 thương hiệu thời trang lớn của thế giới, bao gồm Gucci, Kering, H&M, Zara, Inditex … để đưa ra một hiệp ước chung nhằm chống khủng hoảng khí hậu, bảo vệ đại dương và đa dạng sinh học.
Ngành Y thải ra môi trường 22 tấn rác nhựa mỗi ngày Bảo vệ môi trường, đại học của Anh Quốc cấm sử dụng thịt bò Bảo vệ môi trường phải trở thành một nét văn hoá

Hiện nay, ngành may mặc đang vấp phải nhiều chỉ trích từ phía cộng đồng những người bảo vệ môi trường. Họ cho rằng, lượng phát thải của ngành này nhiều hơn cả ngành hàng không và vận tải cộng lại. Nếu không có biện pháp kiểm soát, đến năm 2050, ngành thời trang sẽ chiếm tới 1/4 ngân sách carbon thế giới.

hoi nghi g7 ket hop voi cac ong lon thoi trang bao ve moi truong

Các nhà hoạt động vì môi trường mặc áo khoác dài làm từ cỏ khi tham gia biểu tình bên ngoài một sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Luân Đôn vào tháng 2/2019. Ảnh: PA.

Tại Trung Quốc và nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức…, giới trẻ đang có xu hướng không mua quần áo mới mà tái sử dụng đồ cũ, mua bán đồ "hàng thùng" qua các trang web. Theo phân tích thị trường toàn cầu GlobalData của trang thương mại điện tử Threup (Mỹ), thị trường đồ cũ dự kiến sẽ phát triển vượt bậc, thậm chí "qua mặt" ngành thời trang chính thống trong vòng vài năm tới.

Trong bối cảnh mối quan tâm về môi trường đang ngày một tăng trong cộng đồng, các thương hiệu thời trang buộc phải đẩy mạnh các kế hoạch kinh doanh, sản xuất bền vững, tích cực, giảm phát thải tối đa ở chuỗi cung cấp, nhà máy và cơ sở bán lẻ trên toàn thế giới.

Tháng 7/2019, Inditex - công ty may mặc lớn thứ ba thế giới đã tuyên bố rằng, trước năm 2025, tất cả các bộ sưu tập của hãng sẽ 100% được làm từ các chất liệu vải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp này cũng đang thực hiện chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo hoàn toàn và giảm lượng rác thải xuống còn “0” trong 6 năm tới.

Mới đây, cuộc điều tra của Uỷ ban Kiểm toán Môi trường Quốc hội Anh còn nêu đích danh các hãng thời trang đứng ngoài công cuộc bảo vệ môi trường, như Boohoo, JD Sports, Sports Direct, TK Maxx,…

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc về vốn, phương pháp quản lý để cải tiến sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường (SCAP). Hiện đã có 9 công ty lớn đăng ký tham gia, gồm cả Asos, M&S, Next, Primark… Bên cạnh phối hợp cùng chính phủ, họ cam kết sẽ giảm lượng khí thải carbon, chất thải rắn và tiết kiệm nước trước năm 2020.

Bà Giorgina Waltier - Giám đốc Phát triển bền vững của Tập đoàn thời trang đa quốc gia Thuỵ Điển H&M ở Anh và Ireland cho biết: "Trong khoảng 12-18 tháng qua, sự quan tâm của mọi người về tính bền vững trong sản xuất, đặc biệt là ngành hàng may mặc, gia tăng đáng kể. Người tiêu dùng không ngừng thúc đẩy các thương hiệu phải hành động quyết liệt, rõ ràng vì các vấn đề môi trường".

Hiện nay, H&M đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sử dụng 100% nguyên liệu tái chế, có nguồn gốc bền vững thay vì 57% như hiện tại. Công ty này cũng đang đưa vào thử nghiệm dịch vụ sửa chữa quần áo cũ miễn phí.

Bà Marie Claire Daveu - Giám đốc Phát triển Bền vững của hãng thời trang Kering cho biết: "Bảo vệ môi trường giờ đây không phải là lựa chọn mà là nhiệm vụ của toàn cầu. Một hiệp ước chung sẽ giúp các nhà bán lẻ trên thế giới hợp tác, chia sẻ ý tưởng, nguồn nguyên liệu thô… để mang lại kết quả tốt nhất cho mục tiêu lớn".

Theo bà Daveu, không chỉ người tiêu dùng mà các nhà đầu tư và phân tích tài chính cũng ngày càng chú ý đến các yếu tố về môi trường, biến đổi khí hậu trong quản lý rủi ro. Cả các nhà thiết kế và ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng ý thức được rằng, họ là công dân của thế giới, nắm trong tay trách nhiệm duy trì môi trường ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, hiệp ước chung tại Hội nghị G7 lần này có thể gây bối rối cho các nhà bán lẻ khi đã có nhiều nhóm quốc tế hoạt động xung quanh việc ngành may mặc gây ô nhiễm môi trường, như Liên minh may mặc bền vững, Chương trình Nghị sự Thời trang toàn cầu,…

Từ chối tham gia bảo vệ môi trường, một số lãnh đạo công ty thời trang đã từ chối ký vào thoả thuận chung tại Hội nghị G7 sắp tới. Một người trong số họ chia sẻ: "Ý tưởng đó là rất tốt. Nhưng trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ là ký vào đó là xong. Hàng động thực sự mới là điều quan trọng. Ngay cả những cuộc họp cũng đang tiêu tốn tài nguyên đó thôi. Hãy để cho nguồn cung được tự cân bằng".

Ông David Moon - một thành viên của SCAP khẳng định: "Tôi tin rằng, SCAP thật sự có thể tạo ra sự thay đổi lớn. Chúng tôi có thể đầu tư vốn và đảm bảo rằng các doanh nghiệp đang tập trung và quản lý tốt quá trình thay đổi đó".

Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ thời trang lớn hiện nay đều đồng tình rằng họ cần thích nghi và giải quyết những vấn đề về môi trường đang tồn tại hiện nay. Bà Waltier nói: "Hành tinh của chúng ta không có loại tài nguyên nào thuận lợi cho mô hình sản xuất tuyến tính mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thời trang đang vận hành. Do vậy, thay đổi toàn bộ hệ thống là sự lựa chọn duy nhất".

Diệu Anh
(Theo The Guardian)
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động