Ngành Y thải ra môi trường 22 tấn rác nhựa mỗi ngày
Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn Y tế nguy hại đến năm 2025 Thu gom và xử lý rác thải y tế - mối quan tâm của nhiều địa phương |
Sáng 16/8, Bộ Y tế phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tại điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LĐO |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện cả nước có khoảng 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt bệnh nhân và 300 triệu lượt khám ngoại trú. Lượng rác thải từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và từ hoạt động y tế là rất lớn.
Theo đó, chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn, như: bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc hoặc hoá chất; trang thiết bị; vật tư; vật liệu; đồ dùng trong y tế. Trong đó phần lớn là các túi nilon khó phân huỷ; sản phẩm nhựa dùng một lần trong ăn uống, sinh hoat,… Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, mỗi ngày ngành Y tế thải ra môi trường khoảng 22 tấn rác nhựa, chiếm 5% tổng lượng rác thải y tế.
Bà Tiến cho biết, các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng có ưu điểm, như góp phần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế. Tuy nhiên, nhiều loại vật liệu nhựa tổng hợp khó phân huỷ, dễ gây ô nhiễm. Về lâu dài nên thay thế bằng các loại vật liệu khác, an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ngành y ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung chỉ đạo tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...; phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa.
Đồng thời rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.