Thu gom và xử lý rác thải y tế - mối quan tâm của nhiều địa phương

15/10/2018 20:33 Tác động môi trường
Lượng rác thải y tế gia tăng, chứa nhiều loại rác thải có nguy cơ lây nhiễm cao, rác thải độc hại… nhưng việc xử lý lâu nay gặp nhiều khó khăn. Giải quyết mối lo này, nhiều địa phương đặc biệt quan tâm xử lý.

Thu gom và xử lý rác thải y tế - mối quan tâm của nhiều địa phương


Rác thải y tế được xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

* Tại Bạc Liêu
Ước tính đến năm 2020, tổng khối lượng chất thải rắn thông thường của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là 2.779kg/ngày; trong đó, lượng chất thải rắn y tế nguy hại là 739,5kg/ngày. Đó là chưa kể đến lượng rác thải từ các bệnh viện tư nhân.
Lượng chất thải y tế phát sinh trung bình từ 0,6 - 1kg/giường bệnh/ngày, trong đó có 0,1 - 0,27kg/giường bệnh/ngày là chất thải nguy hại. Bệnh viện có mức độ phát sinh chất thải nguy hại nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (0,27kg/giường/ngày) thông qua các hoạt động điều trị, xét nghiệm, phẫu thuật… Nếu tính luôn mỗi phòng khám tư nhân và trạm y tế trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1,2kg chất thải nguy hại/ngày, thì tổng khối lượng chất thải nguy hại sẽ hơn 110kg/ngày.
Do đó, trong kế hoạch thu gom và xử lý rác thải y tế nguy hại đến năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu, đến năm 2020, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đảm bảo các quy chuẩn về môi trường. Theo đó, các cơ sở y tế áp dụng theo mô hình cụm là công nghệ không đốt (công nghệ hấp ướt, tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng khoang xử lý). Chất thải y tế nguy hại sau khi được xử lý bằng công nghệ đốt, trở thành chất thải y tế thông thường, được quản lý theo các quy định hiện hành về xử lý chất thải y tế thông thường. Đồng thời, các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại. Trường hợp công trình xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo khả năng xử lý thì hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.
Đối với các cơ sở y tế còn lại (không thuộc các cơ sở xử lý theo mô hình cụm và chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải đảm bảo theo quy định) thì áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Y tế. Ký hợp đồng với bệnh viện đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý…
* Tại Bình Phước
Thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải y tế nguy hại. Đó là quyết tâm của tỉnh Bình Phước khi ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm bảo đảm thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để, hiệu quả chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở y tế trong phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh; ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, góp phần cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại, gồm: Xử lý chất thải lây nhiễm theo mô hình cụm bệnh viện, trong mô hình cụm bệnh viện xử lý chất thải lây nhiễm trên địa bàn tỉnh, các chất thải sẽ được xử lý tại cụm như: Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn gồm: chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể, các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên theo quy định tại Nghị định số 92/2010/NĐ-CP).

 Khánh Anh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động