Hớn Quản: Đề nghị kiểm tra nguồn nước thải từ Trại chăn nuôi heo Công Ty TNHH Song Bích
Trại chăn nuôi heo Công ty TNHH Song Bích nằm ngay mặt đường ĐT757 |
Theo thông tin của UBND xã An Khương, Dự án Trại chăn nuôi heo công nghiệp An Khương 1 quy mô 1.200 heo nái tại ấp 2 (nay là ấp 1, xã An Khương, huyện Hớn Quản) do Công ty TNHH Song Bích làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương tại Công văn số 4028/UBND-KTN ngày 03/12/20213 và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 07/3/2014; Công ty đã được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 107/GPXD ngày 09/10/2015.
Mặc dù nằm ngay mặt đường ĐT757, gần nguồn nước sạch phục vụ cho sản xuất của nhân dân nhưng nước thải từ khuôn viên trại heo chảy trực tiếp ra mương nước mà còn chảy vào suối nhỏ liên tục.
khu vực phía sau trong khuôn viên trại heo Song Bích có nhiều mương nước dẫn ra con mương bờ rào |
Nước thải từ khuôn viên trại heo Song Bích chảy ra bờ mương đóng mốc meo đen ngòm trên mặt đất, dòng chảy dẫn tới con suối nhỏ đối diện |
Để tìm hiểu thông tin về vấn đề trên, Ngày 6/11/2023, Đại diện chính quyền, Chủ tịch xã An Khương, ông Dương Kim Đương cùng với cán bộ địa chính đã có buổi phối hợp cùng phóng viên đi khảo sát thực tế tại khu vực trại chăn nuôi heo Song Bích, ông Đương lên tiếng: “Với trách nhiệm của địa phương, xã cũng đi khảo sát cùng với phóng viên, ghi nhận thực tế thì cũng thấy có nguồn nước chảy ra từ khuôn viên trại chăn nuôi heo chảy theo đường mương ngay mặt đường, dòng nước dẫn ra con suối nhỏ xung quanh như vậy, đối với cấp địa phương thì tôi sẽ kiến nghị đối với cấp Huyện, kiến nghị đối với cấp Tỉnh để kiểm tra khảo sát về tình hình xả thải này, tôi cũng đã kiến nghị về trại này rồi, nhưng khảo sát cũng chỉ đi ngoài mặt đường này thôi chứ không vào trong trang trại được”.
Tuy nhiên, Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (đại diện trại heo) lại nói rằng: “chỉ sử dụng nước thải trong 4 hồ chứa thôi, ko có xả thải ra ngoài”. Khi được hỏi thêm nếu nước thải đầy thì xả đi đâu? Chi Phượng cho biết: “nước đủ chứa nên ko cần xả đi ra ngoài, hốt phân khô 90% còn lại chỉ là nước rửa chuồng. Vấn đề xả ra ngoài như ghi nhận thì họ nói là họ ko biết”. Sau khi đi cùng chính quyền ra chỗ xả mà người dân cho biết, thì chị Phượng lại nói đó là “nước thải chảy ra đó chỉ là nước rửa chén, nước sinh hoạt, giặt đồ. Cũng là đường nước mưa thôi”.
Điều đáng nói, ngay lúc đó trời rất nắng nhưng một lượng nước (mà chị Phượng nói là nước mưa và nước sinh hoạt) chảy xả ra mương rất nhiều và liên tục chảy mạnh, có mặt của chị Phượng, chị cũng đã gọi bảo nhân viên phía trong trại tắt đường nước chảy ra, nhưng mãi nước cũng không thể ngừng chảy được. Sự chệch lệch giữa ý kiến của chủ trại và tác động thực tế cho thấy đang tạo ra sự tranh cãi và lo ngại trong cộng đồng.
Đồng thời, bên phía trong trại heo, nước thải đen ngòm được chảy ra mặt đất, được dẫn vào một con mương nhỏ dọc theo bờ tường, dẫn thẳng ra ngay điểm nước chảy sát mặt đường ĐT757; khu xử lý nước thải có hồ chứa không lót bạc, cả ngàn bao màu trắng nằm chất thành đống to trên mặt đất.
Cả ngàn chiếc bao bì chất thành đống trên mặt đất trong khuôn viên trại heo Song Bích |
Trong bối cảnh ngày càng tăng cường quản lý môi trường, việc thực hiện đúng các phương án, cam kết bảo vệ môi trường từ các trại chăn nuôi heo là cực kỳ quan trọng, sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền là cần thiết để xây dựng một môi trường sống lành mạnh và bền vững cho tương lai.
Tạp chí Công nghiệp môi trường sẽ tiếp tục thông tin.