Khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024

29/10/2024 08:58 Giao thương
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương đồng chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024), sáng ngày 21/10/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian dài nỗ lực triển khai các công tác tổ chức, Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 đã chính thức khai mạc. Với chủ đề “Kiến tạo Tương lai xanh”, bước sang năm thứ 3, Diễn đàn đã trở thành một trong những sự kiện thường niên quy mô, uy tín hàng đầu Việt Nam, một hình mẫu về hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh.

Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margaritis Schinas; Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan Ville Tavio; Thứ trưởng Bộ Năng lượng Cộng hòa Lithuania Inga Ziliene; Phó Cao ủy Thương mại Vương Quốc Anh phụ trách Đông Nam Á Rhiannon Harries; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier; Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc Yuko Yasunaga cùng lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp EU và Việt Nam.

Phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao GEFE 2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam – EU đã phát triển rất toàn diện; nỗ lực của EU trong quá trình xây dựng nền kinh tế Châu Âu và toàn cầu xanh là động lực và kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa các-bon vào năm 2050.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Phó Thủ tướng cho biết, với phương châm “phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá”, Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng rất quyết liệt trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Trong khuôn khổ GEFE 2024 đã diễn ra 10 phiên thảo luận với 30 chủ đề liên quan đến các lĩnh vực xanh như chính sách phát triển năng lượng, Quy hoạch điện VIII (PDP8), năng lượng tái tạo, thị trường carbon, công trình xanh... với sự tham gia từ các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đổi mới và các nhà hoạch định chính sách từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam và EU những thông tin mới về công nghệ, chính sách và quy định đang định hình tương lai bền vững của Việt Nam. Các phiên thảo luận này sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.

Phát biểu tại GEFE 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hợp tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU trong tiến trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đây là tiền đề và động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xanh, bền vững, phù hợp xu thế toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà EU và Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.

Ông Alain Cany – Trưởng Ban tổ chức GEFE 2024, Chủ tịch hội đồng cố vấn EuroCham cho biết, Châu Âu hiện đã trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, và Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất từ ASEAN sang Châu Âu. Để duy trì vị thế dẫn đầu này và tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam cần nhận thức rõ về bối cảnh các quy định mới, đặc biệt là những thách thức và cơ hội mà Thỏa thuận xanh Châu Âu mang lại.

Bên cạnh các hoạt động chính, với vai trò là cơ quan đồng chủ trì tổ chức GEFE 2024, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EuroCham tổ chức Triển lãm Kinh tế Xanh với quy mô hơn 200 doanh nghiệp và gian hàng triển lãm đến từ Châu Âu và Việt Nam thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước, rác thải, môi trường... Trong đó Khu gian hàng Việt Nam với sự tham gia của 4 Trung tâm Xúc tiến thương mại và 20 doanh nghiệp đã trưng bày các sản phẩm và công nghệ phù hợp với chủ đề của Triển lãm. Khu gian hàng Việt Nam được xây dựng với thiết kế mở và nhận diện thống nhất, được phân thành ba khu vực chính là công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và các sản phẩm vùng miền của Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Châu Âu trong các lĩnh vực, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Châu Âu. Đây là một sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ GEFE 2024 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lắng nghe, tiếp cận và mở rộng thị trường với các đối tác, chuyên gia, lãnh đạo hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng công trình xanh…

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Hội nghị kết nối giao thương mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với mục tiêu tăng cường hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn từ các diễn giả. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác doanh nghiệp Châu Âu về các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt thảo luận về các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất xanh, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Vũ Bá Phú, tại hội nghị giao thương, các bên sẽ cùng nhau trao đổi cởi mở, mở ra những cơ hội hợp tác lâu dài và tiến tới thoả thuận các cơ hội hợp tác, góp phần cùng nhau xây dựng một nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn và thịnh vượng hơn cho cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Vì vậy, các hoạt động kết nối giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước là hết sức quan trọng và cần được tăng cường.

Nhân dịp tham dự GEFE 2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp song phương với ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và ông Ville Tavio, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan. Tại buổi tiếp ngài Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khuôn khổ hợp tác đầy đủ với EU. Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) có hiệu lực. Về phía EU, Phó Chủ tịch EC đánh giá cao những thành tựu phát triển cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương và khẳng định EU luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và quan trọng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, công nghệ sạch, chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas

Tại buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các cấp cao nhằm tạo thêm động lực làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan và ghi nhận sự phát triển tích cực của hợp tác song phương về chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo… Về phía Phần Lan, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan khẳng định quan hệ Việt Nam – Phần Lan phát triển tốt đẹp và có bề dày lịch sử hơn 40 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cũng như tăng cường phối hợp tại các cơ chế thương mại đa phương.

GEFE 2024 sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 23/10/2024. Sự thành công của GEFE 2024 sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh của Việt Nam cũng như hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, sự kiện sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy, nâng tầm mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – EU phát triển lên tầm cao mới.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động