Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam - có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực.Tại tọa đàm, thảo luận về tác động tới ngành gỗ Việt Nam do các thay đổi sắp tới tại thị trường Mỹ, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên, quản lý Chương trình Chính sách công và Môi trường (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nhận định, một số thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và tác động tới các ngành hàng của Việt Nam trong tương lai.
Cơ hội cho Việt Nam từ chính sách Tổng thống tương lai Donald Trump là gia tăng xuất khẩu sang Mỹ nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; thu hút đầu tư nước ngoài khi các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; đẩy mạnh cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Bên cạnh những cơ hội còn có một số rủi ro cho Việt Nam, trước tiên là áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngành gỗ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Mỹ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba. Ví dụ, Trung Quốc chuyển hàng qua Việt Nam để né thuế…
Cùng với đó là sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác. "Những quốc gia như Malaysia, Indonesia, và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Mỹ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm của Việt Nam. Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu" - ông Huỳnh Thế Du dẫn chứng.
Cũng tại tọa đàm, ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends thông tin thêm, các chính sách thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn và nhu cầu thị trường. Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc trở thành điểm đến thay thế cho các dòng hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro mới đối với Việt Nam, cần được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD. Như vậy, tính riêng thị trường Hoa kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm, điều này cho thấy Hoa kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.
Với sự thay đổi chính sách sắp tới của thị trường Mỹ khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump lên, Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt khâu nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam có thể chịu các tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
Bên cạnh việc cần hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ đã bước đầu chủ động một số hoạt động nhằm giảm thiểu tác động như: Đảm bảo chuỗi cung ứng đáp ứng được các yêu cầu của Hoa Kỳ; Chuẩn bị trước các phương án có khả năng xảy ra trong năm 2025, nếu Mỹ áp thuế và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; Quảng bá và giới thiệu hình ảnh gỗ Việt mạnh mẽ qua các Hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài; Tìm kiếm cơ hội để mở hệ thống phân phối mặt hàng gỗ tại Mỹ; Tăng cường hợp tác với các đối tác, cơ quan, các Hiệp hội, các đơn vị bạn hàng tại Mỹ; Tăng cường chia sẻ thông tin với các bên liên quan. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ là đầu mối tiếp nhận các kênh thông tin để chia sẻ tới các doanh nghiệp ngành gỗ.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO