Nhận biết những ảnh hưởng của chất thải y tế tới sức khỏe - môi trường

12/06/2023 14:38 Quản lý nguồn thải
Chất thải phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nếu không được kiểm soát, xử lý tốt sẽ là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, các cơ sở y tế thường nằm ở khu đô thị, khu dân cư tập trung cao, nên việc nhận thức những mối nguy từ chất thải y tế có thể gây ra đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt.
Nhận biết những ảnh hưởng của chất thải y tế tới sức khỏe - môi trường

Ảnh hưởng của chất thải y tế tới sức khỏe:

Chất thải y tế (CTYT) từ bệnh viện nói riêng hay cơ sở khám chữa bệnh nói chung được cho là cơ sở có nguy cơ rủi ro cho sức khỏe con người. Chất thải y tế có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe con người như: lây bệnh qua đường máu cho nhân viên y tế, đặc biệt là sự cố thương tích do chất thải sắc nhọn. Dạng phơi nhiễm nghề nghiệp phổ biến nhất qua đường máu của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện quản lý chất thải là bị thương do các kim tiêm lây nhiễm.

Ảnh hưởng của chất thải sắc nhọn: Chất thải sắc nhọn được coi là loại chất thải nguy hiểm, có nguy cơ gây tổn thưởng kép tới sức khỏe con người nghĩa là vừa gây chấn thương do vết cắt, vết đâm và thông qua vết chấn thương để gây bệnh truyền nhiễm nếu trong chất thải có các mầm bệnh viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và virus HIV,...

Ảnh hưởng của chất thải lây nhiễm: CTYT lây nhiễm cơ thể chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như: tụ cầu, HIV, viêm gan B,… chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua các hình thức: qua da: (vết trầy xước, vết đâm xuyên hoặc vết cắt trên da); qua các niêm mạc (màng nhầy); qua đường hô hấp (do xông, hít phải); qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải). Việc quản lý CTYT lây nhiễm không đúng cách còn có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh cho con người thông qua môi trường trong BV. Chẳng hạn một số người có khả năng bị lây nhiễm các bệnh mà họ không mắc phải trước khi đến BV, nhưng khi đến và làm việc trong BV sau một thời gian bị mắc bệnh hoặc đem mầm bệnh đến nơi họ ở.

Ảnh hưởng của chất thải hóa học và dược phẩm: Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng chất thải hóa học và dược phẩm có thể gây ra các nhiễm độc cấp tính, mãn tính, chấn thương và bỏng,... Hóa chất độc hại và dược phẩm ở các dạng dung dịch, sương mù, hơi,… có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường da, hô hấp và tiêu hóa,... gây bỏng, tổn thương da, mắt, màng nhầy đường hô hấp và các cơ quan trong cơ thể như: gan, thận,… Một số ví dụ về ảnh hưởng của chất thải hóa học và dược phẩm:

+ Thủy ngân là một chất độc hại trong CTYT. Thủy ngân có mặt trong một số thiết bị y tế, nhất là các thiết bị chẩn đoán như: nhiệt kế thủy ngân, huyết áp kế thủy ngân,... và một số nguồn khác như khi bóng đèn huỳnh quang, compact sử dụng bị vỡ; Chất khử trùng được dùng với số lượng lớn trong BV, chúng thường có tính ăn mòn và có thể kết hợp thành các hợp chất có độc tính cao hơn;

+ Dư lượng các hóa chất sử dụng tại các phòng xét nghiệm khi thải vào hệ thống thoát nước có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hoặc các hệ sinh thái tự nhiên của các nguồn nước tiếp nhận;

Tương tự như vậy đối với dư lượng dược phẩm trong các chất thải có chứa dược phẩm. Dư lượng dược phẩm thải có thể bao gồm: các loại kháng sinh, các thuốc khác nếu không được xử lý khi thải vào các nguồn nước tiếp nhận sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống và các loài thủy sinh trong các nguồn nước tiếp nhận.

Ảnh hưởng của chất gây độc tế bào: Chất gây độc tế bào có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường: hô hấp khi hít phải, qua da, qua đường tiêu hóa; hoặc tiếp xúc với chất thải dính thuốc gây độc tế bào; hoặc tiếp xúc với các chất tiết ra từ người bệnh đang được điều trị bằng hóa trị liệu. Một số chất gây độc tế bào có thể gây hại trực tiếp tại nơi tiếp xúc, đặc biệt là da và mắt, một số triệu chứng thường gặp là: chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu và viêm da.

Ảnh hưởng của chất thải phóng xạ: Ảnh hưởng của chất thải phóng xạ tùy thuộc vào loại phóng xạ, cường độ và thời gian tiếp xúc. Trong BV, các chất phóng xạ thường có chu kỳ bán rã ngắn (kéo dài từ vài giờ, vài ngày cho đến vài tuần). Các triệu chứng hay gặp là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều bất thường,… ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư và các vấn đề về di truyền.

Ảnh hưởng của chất thải y tế tới môi trường:

Chất thải y tế có thể tác động xấu tới tất cả các khía cạnh của môi trường, đặc biệt là môi trường đất, nước, không khí. Mặt khác, xử lý CTYT không đúng phương pháp có thể gây ra vấn đề lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Đối với môi trường đất: Quản lý CTYT không đúng quy trình và việc tiêu hủy CTYT tại các bãi chôn lấp không tuân thủ các quy định sẽ dẫn đến sự phát tán các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại,… gây ô nhiễm đất và làm cho việc tái sử dụng bãi chôn lấp gặp khó khăn.

Đối với môi trường không khí: Chất thải y tế từ khi phát sinh đến khâu xử lý cuối cùng đều có thể gây ra tác động xấu tới môi trường không khí. Bụi rác, bào tử vi sinh vật gây bệnh, hơi dung môi, hóa chất,... phát sinh trong các khâu phân loại - thu gom - vận chuyển, CTYT có thể phát tán vào không khí. Trong khâu xử lý, đặc biệt là với các lò đốt CTYT quy mô nhỏ, không có thiết bị xử lý khí thải có thể phát sinh ra các chất khí độc hại như sau:

+ Ô nhiễm bụi: khi nhiệt độ đốt không đủ hoặc không tuân thủ đúng quy trình vận hành, lượng chất thải nạp vào lò quá lớn sẽ làm phát tán bụi, khói đen và các chất độc hại;

+ Các khí axit: Do trong CTYT có thể có chất thải làm bằng nhựa PVC, hoặc chất thải dược phẩm khi đốt có nguy cơ tạo ra hơi axit, đặc biệt là HCl và SO2;

+ Dioxin và Furan: Trong quá trình đốt cháy chất thải có thành phần halogen (Cl, Br, F) ở nhiệt độ thấp có thể hình thành dioxin và furan là những chất rất độc dù ở nồng độ nhỏ;

+ Kim loại nặng: đối với những kim loại nặng dễ bay hơi như thủy ngân có thể phát sinh từ các lò đốt CTYT nếu trong quá trình phân loại không tốt. Ngoài ra, một số phương pháp xử lý khác như chôn lấp có thể phát sinh các chất gây ô nhiễm cho môi trường không khí như: CH4, H2S,..

Đối với môi trường nước: Tác động của CTYT đối với các nguồn nước có thể so sánh với nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, nước thải từ các cơ sở y tế còn có thể chứa Salmonella, Coliform, Tụ cầu, Liên cầu, Trực khuẩn Gram âm đa kháng, các hóa chất độc hại, chất hữu cơ, kim loại nặng. Do đó, nếu không được xử lý triệt để trước khi xả thải vào nguồn nước tiếp nhận, đặc biệt đối với nguồn tiếp nhận được sử dụng cho sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ có nguy cơ gây ra một số bệnh như: tiêu chảy, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A,… cho những người sử dụng các nguồn nước này.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, thì việc nhận biết, kiểm soát được nguồn phát sinh chất thải, quá trình phân loại, xử lý sơ bộ chất thải phát sinh cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt đối với chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại và nước thải y tế cần được xử lý một cách triệt để từ đó hạn chết tối đa những tác động đến môi trường xung quanh từ những loại chất thải này./.

Nguyễn Quang
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động