Nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng nguồn nước

21/10/2019 15:18 Tác động môi trường
Sau sự cố xả dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà gây ô nhiễm nước sinh hoạt của hàng chục vạn người dân Thủ đô, nhiều người cảm thấy bất an về những bất cập trong quản lý chất lượng nguồn nước.
"Kẻ chủ mưu" đổ dầu thải xuống nguồn nước sông Đà đầu thú Nhiều câu hỏi sau vụ ô nhiễm nước sinh hoạt

Bất cập hệ thống quản lý nguồn nước

Việt Nam đang đối phó với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nghiêm trọng, do xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt chưa đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường và phần lớn là do bất cập trong hệ thống quản lý nguồn nước.

Khung thể chế và quản trị về tài nguyên nước ở Việt Nam đã được xây dựng từ 20 năm trước. Năm 1998, Luật Tài nguyên nước được ban hành, quy định những chính sách cơ bản để đạt được cách tiếp cận tổng thể về tài nguyên nước. Các chính sách được cụ thể hoá trong nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện. Nhằm tăng cường cách tiếp cận tổng hợp và giao trách nhiệm quản lý với sự thống nhất quản lý về tài nguyên nước, năm 2012, Luật Tài nguyên nước 1998 đã được bổ sung sửa đổi. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chịu trách nhiệm quản lý chung, còn các Bộ khác chịu trách nhiệm trong các ngành sử dụng nước. Nhiều trách nhiệm quản lý tài nguyên nước và dịch vụ tại các địa phương đã được phân cấp cho chính quyền địa phương với mức độ uỷ quyền rất cao.

quan ly chat luong nguon nuoc con nhieu lo hong
Nguồn nước ô nhiễm dầu thải từ khe núi huyện Kỳ Sơn chảy về kênh dẫn nước. Ảnh: Bá Đô.

Theo các nhà phân tích, quản trị tài nguyên nước ở Việt Nam đã được cải thiện song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các hạn chế quan trọng đang làm giảm hiệu quả quản lý tập trung vào hoạt động giám sát, điều phối và thực thi chính sách.

TS. Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định, Việt Nam quản lý nguồn nước theo quy chuẩn, trong đó nước sinh hoạt áp dụng quy chuẩn cao nhất là A1. Điều đó cho thấy, chúng ta cũng đặt chất lượng nước cho sinh hoạt là quan trọng nhất. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa quy hoạch mục đích sử dụng nước các lưu vực sông. Việc quy hoạch đã có trong Luật Tài nguyên nước song thực tế do nhiều khó khăn chưa triển khai được dẫn đến việc không biết áp dụng quy chuẩn nào để xác định mức độ ô nhiễm của nguồn nước.

Có một thực tế là, rất nhiều nhà máy dùng nước sông để cấp nước sinh hoạt, không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Khi khảo sát thực tế, phát hiện rất nhiều mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước. Cùng một đoạn sông nhưng có thể có nhiều mục đích sử dụng nước khác nhau, vừa dùng để tưới tiêu, vừa cho giao thông, lại vừa phục vụ sinh hoạt. Có nơi nước thải trang trại lợn sát nơi cấp nước sinh hoạt.

Trong sự cố dầu thải nước sông Đà có người đặt vấn đề, nếu đó không phải là dầu thải mà là một số chất độc khác thì hàng chục vạn dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe ngay lập tức. Điều đó cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng rất lớn trong quản lý nguồn nước.

Xây dựng quy trình an toàn nguồn nước cấp

Để nâng cao thể chế quản lý tài nguyên nước, nhóm chuyên gia về nước đã đưa ra những khuyến nghị tập trung vào nâng cao thể chế quản lý, quản lý nước ở quy mô lưu vực sông; tăng giá trị dùng nước trong nông nghiệp; ưu tiên chính sách nhằm giảm mức độ tác động ô nhiễm; nâng cao khả năng quản lý rủi ro; phát triển và mở rộng nguồn tài chính; tăng cường an ninh nguồn nước. Trước hết, cần nâng cao hơn nữa khung pháp lý nhằm quản lý có hiệu lực và hiệu quả; tăng cường thực thi pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến xả thải, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định quản lý về môi trường. Quản trị toàn diện tài nguyên nước ở Việt Nam, cần được tiến hành theo quy mô lưu vực sông.

Phải xác định rõ ràng các vùng nước cấp sinh hoạt gồm đoạn nào, sông suối nào, phải đảm bảo đây là vùng cần ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, được công bố rộng rãi để người dân biết. Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình an toàn nguồn nước cấp sinh hoạt như quan trắc online, quan trắc định kỳ, hệ thống an toàn, quy trình ứng phó sự cố...

Tại các vùng được xác định là dùng cho cấp nước sinh hoạt, cần tiến hành tổng rà soát các nguồn thải, cần phải biết cụ thể những nhà máy, trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, xả thải trực tiếp hay gián tiếp để có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu không đáp ứng các yêu cầu về môi trường thì phải di dời, đình chỉ sản xuất ngay; đồng thời phải có hệ thống quan trắc chất lượng chi tiết, kết hợp quan trắc tự động và định kỳ, cùng các biện pháp bảo đảm an toàn nguồn nước.

Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước đô thị được dự báo sẽ tăng gấp đôi. Gia tăng nhanh nhu cầu, gây áp lực rất lớn cho nguồn nước của các lưu vực sông chính; đặc biệt là ở khu vực Hồng Hà-Thái Bình, ĐB sông Cửu Long và Đồng Nai, nơi gần 2/3 dân số sinh sống và đóng góp tới 80% GDP của cả nước.
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động