Nhiều thành phố ở châu Á trở nên "khó sống" vì ô nhiễm môi trường
Đề nghị tăng thuế túi nilon để bảo vệ môi trường Sức ép lên môi trường nước tại các lưu vực sông Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường |
Theo kết quả khảo sát về chỉ số sinh kế toàn cầu hàng năm của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế (EIU) thuộc Tập đoàn Economist được công bố tuần trước, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân khiến điều kiện sống ở các thành phố đang phát triển của châu Á suy giảm chất lượng, tụt hạng trong bảng xếp hạng "Các thành phố đáng sống nhất trên thế giới".
Hình ảnh một cậu bé đang đi bộ dưới cái năng thiêu đốt trên cánh đồng khô hạn. Ảnh: arif_shamim |
Cụ thể, thủ đô New Delhi của Ấn Độ tụt 6 bậc từ 118 xuống 140; Singapore giảm 3 bậc xuống vị trí 40; Hong Kong tụt 3 hạng xuống vị trí 38.
New Delhi cũng là một trong những thành phố ô nhiễm nặng nhất thế giới theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong một thập kỷ qua, sóng nhiệt tại Ấn Độ trở nên dữ dội hơn, nhiệt độ ở thủ đô nước này đạt mức kỷ lục 48 độ C vào tháng 6, dẫn đến khủng hoảng nước sạch và ảnh hưởng an ninh lương thực.
Thủ đô Karachi của Pakistan cũng nằm trong danh sách 10 thành phố "khó sống" nhất do khói bụi và nóng nực thường xuyên. Dhaka - Thủ đô của Bangladesh cũng chịu chung số phận.
EIU đánh giá điều kiện sống dựa trên 30 tiêu chí chia làm 5 hạng mục: ổn định xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng, văn hoá và môi trường với thang điểm 100.
Bà Agedit Demarais - Giám đốc Dự báo toàn cầu của EIU cho biết, nếu không có phải pháp đồng bộ trên quy mô quốc tế để giải quyết biến đổi khí hậu, tình hình chung sẽ tiếp tục xấu đi. "Theo dự đoán của chúng tôi, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ làm tăng áp lực lên điều kiện sống của người dân trong những năm tới, dù cho giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ… được cải thiện" - bà Demarais cho biết thêm.
Mặc dù chỉ số của các nước châu Á giảm do các vấn đề về môi trường, mức trung bình điều kiện sống toàn cầu vẫn tăng 0,5% qua 5 năm qua.
Thành phố đáng sống nhất thế giới vẫn là Vienna, duy trì từ năm 2018 nhờ hệ thống giao thông công cộng tốt và công tác thanh lọc không khí vùng Alps.
Các tấm pin mặt trời trên mái của khu phức hợp Victoria Park Pool ở Sydney (Australia). Ảnh: City of Sydney. |
Theo sau là Melbourne và Sydney (Úc). Cụ thể, Melbourne đã tăng từ hạng 5 lên hạng 3 trong danh sách nhờ thúc đẩy chỉ số về môi trường với chiến lược giảm 70% lượng khí thải carbon và mục tiêu tăng sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Các thành phố Osaka và Tokyo (Nhật Bản) vẫn nằm trong top 10 với chỉ số tuyệt đối ở hầu hết các hạng mục, nhờ tỉ lệ tội phạm luôn ở mức thấp, dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao. .
Bên cạnh đó, thứ hạng của một số thành phố Đông Nam Á như Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Phillipines) cũng duy trì ổn định hàng năm.
Báo cáo nêu rõ: "Chúng tôi thấy rằng, biến đổi khí hậu là một hiện tượng toàn cầu, đe doạ chỉ số sinh kế của tất cả các thành phố, kể cả những nơi sở hữu thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Để kiểm soát việc này cần có một kế hoạch đồng bộ trên quy mô quốc tế".