Sức ép lên môi trường nước tại các lưu vực sông

30/08/2019 14:43 Tác động môi trường
Việt Nam có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 sông lớn và 310 sông liên tỉnh thuộc 8 lưu vực sông (LVS) lớn với diện tích khoảng 270.000 km2 (chiếm 80% tổng diện tích LVS), 82 sông liên tỉnh thuộc 25 LVS liên tỉnh (khoảng 35.940 km2) và 3.045 sông, suối thuộc các LVS nội tỉnh.  Trong số đó, khá nhiều sông là sông xuyên biên giới với các quốc gia khác, như các hệ thống sông Mê Công (sông Cửu Long), sông Hồng, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 Xây dựng các nhóm giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường lưu vực sông và làng nghề

Số liệu thống kê trên các LVS cho thấy, tài nguyên nước mặt nước ta là 830-840 tỉ m3/năm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam, còn lại lượng nước từ nước ngoài chảy vào và có sự biến động theo mùa, theo vùng miền. Khoảng 80% lượng nước trên các sông tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa khô. Các sông khu vực miền Nam có lưu lượng lớn hơn so với các sông, suối khu vực miền Bắc và miền Trung.

Theo vùng, miền các LVS có đặc trưng về chế độ dòng chảy khác nhau do ảnh hưởng của yếu tố địa hình và khí hậu vùng bản địa.

Địa hình miền Bắc được chia làm 2 khu vực với hướng núi khác nhau. Với đặc điểm địa hình chi phối, các LVS ở miền Bắc có bề mặt thấp dần, có hình nan quạt, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, được thể hiện thông qua hướng chảy của các dòng sông lớn. Miền Bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa biến tính với bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Trong đó, mùa Hạ (tháng 4-9) có mưa nhiều và nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 8. Mùa Đông kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau với khí hậu lạnh và hanh khô. Các yếu tố khí hậu chi phối đến chế độ thủy văn các sông miền Bắc, mùa mưa đến sớm làm cho lượng nước trong mùa mưa khá dồi dào, thời gian lũ kéo dài do khả năng thoát lũ chậm (do các sông có hình nan quạt, chảy tập trung vào một số dòng chính dẫn đến nước sông bị dồn ứ làm nước lũ lên nhanh, xuống chậm). Các LVS miền Bắc còn có một đặc điểm khác biệt so với các LVS khác, đó là hệ thống đê điều ở hai bên bờ sông. Do vậy, dòng chảy của các sông thường chảy tập trung trong một phạm vi nhất định giữa hai bờ đê bao.

Địa hình miền Trung có xu hướng thấp dần từ Tây sang Đông; có mật độ sông suối dày đặc, phân cắt thành nhiều LVS nhỏ như: Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Gianh, Thạch Hãn, Hương, Trà Khúc, Kone và Thanh. Sông ở miền Trung thường có lòng sông hẹp, độ dốc lớn, diện tích lưu vực nhỏ. Dòng chảy thường tập trung nhanh, lưu lượng lớn nên vào mùa mưa lũ thường gây ngập lụt ở vùng hạ lưu (các khu vực đồng bằng thấp phía Đông) làm thiệt hại đến đời sống của người dân khu vực và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của các địa phương.

Khu vực Tây Nguyên, địa hình của lưu vực khá phức tạp với những cao nguyên xen kẽ núi cao, núi trung bình và hướng dốc chính thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam ở phía Bắc và hướng Đông Nam - Tây Bắc ở phía Nam. Phần lớn các dòng sông của Tây Nguyên chảy theo hướng Đông sang Tây (chảy từ Việt Nam sang Lào). Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với lượng mưa chỉ chiếm 10 ÷ 15% lượng mưa năm. Theo đó, phân phối dòng chảy trong năm mang tính chất mùa, tổng lượng nước trong mùa lũ chiếm khoảng 70% tổng lượng nước trong năm, mùa cạn chiếm khoảng 30% tổng lượng nước năm.

Khu vực Đông Nam Bộ (ĐNB) bao gồm LVS Đồng Nai và hệ thống các LVS nhỏ khác nằm ở vùng ven biển. Dòng chảy tại các sông trong vùng ĐNB được phân chia thành 2 mùa rõ rệt, với mùa lũ thường chậm hơn mùa mưa 1 - 2 tháng và mùa kiệt trùng với mùa khô. Hàng năm, mùa lũ bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 11, kéo dài 6 tháng, tuy nhiên, thời gian này không đều ở từng vùng. Phần thượng lưu và trung lưu của LVS Đồng Nai không bị ảnh hưởng bởi chế độ thủy triều; chế độ dòng chảy ảnh hưởng lớn bởi việc điều tiết của các hệ thống công trình hồ chứa lớn. Phần hạ lưu chịu tác động của triều cường, xâm nhập mặn (chế độ triều của khu vực cửa sông vùng ĐNB mang tính chất bán nhật triều không đều với biên độ triều cường vào loại lớn của Việt Nam). Do đó, chế độ thuỷ văn ở hạ lưu chịu sự chi phối với các mức độ khác nhau của các yếu tố như chế độ dòng chảy từ thượng lưu về; chế độ triều biển Đông và các hoạt động khai thác có liên quan đến dòng chảy và hoạt động của dòng sông ngay tại hạ lưu.

suc ep len moi truong nuoc cac luu vuc song
Sông Đồng Nai và cù lao Phố thuộc thành phố Biên Hòa. (Ảnh: motthegioi)

Xâm nhập mặn là yếu tố cần quan tâm, chú ý đối với vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn. Mức độ xâm nhập mặn chịu ảnh hưởng của lưu lượng dòng chảy ở thượng lưu về, xâm nhập mặn tăng dần vào cuối mùa lũ, đạt trị số cao nhất vào cuối mùa khô. Các hồ chứa lớn như Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ,.. được xây dựng và vận hành đã góp phần tăng lưu lượng dòng chảy cho hạ lưu vào các tháng mùa khô.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần cuối cùng của châu thổ sông Mê Kông, địa hình vùng ĐBSCL thấp dần theo 2 hướng: từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Theo đó, mùa lũ ở ĐBSCL thường kéo dài khoảng 6 tháng (tháng 7 đến tháng 12). Chế độ thủy văn, thủy lực ở ĐBSCL rất phức tạp. Quá trình xâm nhập mặn ở ĐBSCL chịu sự chi phối của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông đã ảnh hưởng đến khoảng 1,4 - 1,5 triệu ha đất.

1. Sức ép phát triển kinh tế xã hội lên môi trường nước các lưu vực sông

Phát triển dân số và quá trình đô thị hoá

Ở nước ta, phần lớn các đô thị tập trung dọc theo các sông lớn (Tp. Hà Nội bên sông Hồng, Tp. Việt Trì bên sông Đà, Tp. Đà Nẵng bên sông Hàn, Tp. Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn ....). Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các LVS. Dân số thành thị không ngừng tăng theo thời gian và phân bố không đồng đều theo vùng địa lý.

Dân số sinh sống tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi có kinh tế phát triển. Năm 2017, mật độ dân số cao nhất đạt 4.025 người/km2 tại Tp. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Thủ đô Hà Nội với 2.279 người/ km2, mật độ dân số cũng cao ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng,...

Thu nhập của người dân có xu hướng tăng qua các năm, trong đó người dân thành thị có thu nhập thực tế cao hơn nhiều so với người dân sinh sống ở nông thôn. Quá trình đô thị hóa diễn ra càng nhanh, mạnh thì phân hóa về thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng không ngừng gia tăng.

Chất lượng cuộc sống được nâng cao cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng nói chung, trong đó nhu cầu sử dụng nước nói riêng tăng lên. Tuy nhiên, lượng nước phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của người dân tại nhiều khu vực (cả vùng đô thị và nông thôn) vì nhiều lý do, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo báo cáo đánh giá của Bộ TN&MT, lượng nước mặt bình quân đầu người của nước ta chỉ đạt 3.840 m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế. Tính riêng về nhu cầu cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân đô thị thường gấp khoảng 2 lần nhu cầu người dân sống ở nông thôn và quá trình đô thị hóa sau 10 năm sẽ làm tăng nhu cầu cấp nước sạch cho sinh hoạt khoảng 750.000 m3/ngày đêm. Nhu cầu cấp nước tăng thì lượng nước thải sinh hoạt cũng tăng theo.

Cùng với quá trình đô thị hóa, việc phát triển và xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Phần lớn các đô thị đều thiếu hệ thống thu gom nước thải riêng biệt cũng như các trạm XLNT tập trung, lượng nước thải sinh hoạt vẫn đổ thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nước. Những năm qua, hệ thống thoát nước đô thị đã được đầu tư và cải thiện đáng kể, tuy nhiên tình trạng ngập úng vẫn đang là vấn đề bức xúc ở nhiều đô thị lớn (Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh). Nguyên nhân một phần là do nhiều ao hồ, khu đất trũng trong nội đô bị san lấp, cống hóa nhiều dòng sông, kênh mương, rạch thoát nước để xây dựng đô thị, thêm vào đó là tác động của BĐKH (triều cường) cũng góp phần làm tình trạng ngập úng càng trở nên trầm trọng. Quá trình đô thị hóa và các hoạt động KT-XH đã và đang tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các khu vực sản xuất kinh doanh vùng ngoại thành thường có chất lượng giảm sút; các bức xúc, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng thường xuyên xảy ra.

Sự phát triển của các ngành kinh tế và nhu cầu sử dụng nước

Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Thuỷ lợi (2015), lượng nước sử dụng hằng năm cho nông nghiệp khoảng 93 tỷ m3, cho công nghiệp khoảng 17,3 tỷ m3, cho dịch vụ là 2 tỷ m3, cho sinh hoạt là 3,09 tỷ m3. Đến năm 2030, dự kiến cơ cấu sử dụng nước sẽ thay đổi theo xu hướng nông nghiệp 75%, công nghiệp 16%, tiêu dùng 9%.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng lượng nước cần cung cấp cho các ngành kinh tế hiện tại khoảng 137-145 tỷ m3; dự báo đến năm 2030, con số này là khoảng 150 tỷ m3. Trong đó, lượng nước sử dụng trong mùa khô chiếm tới khoảng 60%, nếu tính cả lượng nước cần cho môi trường sinh thái ở hạ du khoảng 50 tỷ m3, thì tổng lượng nước cần có để dùng trong mùa khô là 140 tỷ m3.

Trong khi đó, nguồn nước tự nhiên trong mùa khô của tất cả các LVS chỉ khoảng 30%, tương đương với 96 tỷ m3, cộng với lượng nước trữ được của các hồ chứa trên toàn quốc khoảng 40 tỷ m3 thì lượng nước cấp trong mùa khô rất căng thẳng, dẫn đến xung đột trong sử dụng nước giữa các ngành trên một LVS và xung đột này ngày càng gay gắt, nhất là tại các LVS vừa và nhỏ.

Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA) đưa nước ta vào nhóm quốc gia thiếu nước. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu không quản lý tốt nguồn tài nguyên này thì chỉ trong tương lai gần, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước.

Ngành công nghiệp

Năm 2018, ngành công nghiệp tăng 8,79%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,9%. Tuy nhiên, việc phần lớn các hoạt động công nghiệp tập trung ở một số vùng kinh tế là nguyên nhân gây nên các vấn đề về môi trường cũng như vấn đề quản lý. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ tại các khu vực dân cư, các làng nghề tại khu vực nông thôn... cũng khiến cho công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm gặp nhiều khó khăn.

Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nước trong công nghiệp chiếm 22% lượng nước sử dụng trên toàn cầu (Liên Hợp quốc, 2012). Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, khoảng 5 - 20% lượng nước sử dụng là cho ngành công nghiệp. Một vài ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng nước rất cao, như sản xuất giấy, nhựa, chế biến thực phẩm. Nếu không được kiểm soát, nước thải công nghiệp sẽ là nguồn ô nhiễm rất độc hại.

Phát triển công nghiệp chủ yếu diễn ra quanh 04 LVS chính là LVS Hồng - Thái Bình, cụm sông ĐNB, sông Đồng Nai và LVS Vu Gia - Thu Bồn, chiếm 80% sản lượng công nghiệp cả nước. Tổng lượng nước sử dụng hàng năm cho hoạt động công nghiệp năm 2016 là 6 tỷ m3 dự kiến sẽ tăng lên 15,6 tỷ m3 vào năm 2030, trong đó LVS Hồng - Thái Bình, cung cấp gần 50% tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp cả nước; LVS Đồng Nai cung cấp 25% lượng nước cho sản xuất công nghiệp; các sông ĐNB là 7% và LVS Mê Công là 10%. Nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp tăng, trong khi lượng nước mặt ít biến động qua các năm đã làm tăng nhu cầu sử dụng nước dưới đất. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng nước dưới đất cho công nghiệp rất lớn, riêng Tp. Hồ Chí Minh có đến 57% doanh nghiệp sử dụng nước dưới đất. Khai thác quá mức nước dưới đất đặt ra mối đe dọa đối với an ninh nước và làm gia tăng sự cố do sụt lún đất và tăng hiện tượng xâm nhập mặn ở các cửa sông.

Ngành nông nghiệp

Năm 2018, ngành nông nghiệp tuy chỉ đóng góp 14,68% vào giá trị GDP nhưng là ngành sử dụng nước lớn nhất ở nước ta, ước tính khoảng 80-85% và có xu hướng tăng 2,25% vào năm 2020 và 1% tăng trưởng hằng năm đến năm 20303.

Theo đánh giá, nước mặt sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp lên đến hơn 66.000 triệu m3/năm, chiếm trên 82% tổng lượng nước sử dụng ước tính ở Việt Nam. LVS Mê Công và LVS Hồng - Thái Bình chiếm khoảng 75% tổng sử dụng nước tưới tiêu ở Việt Nam với mức tương ứng lần lượt là trên 27% và 45%. LVS Mê Công có chỉ số sử dụng nước tưới trên đầu người ở nông thôn lớn nhất (trên 2.000 m3/người/năm) trong khi hầu hết các lưu vực còn lại đều có con số dưới 1.000 m3/người/năm. Việc khai thác các hồ chứa thủy điện đang gây ra nhiều vấn đề về điều tiết nước trên lưu vực, cấp nước và duy trì dòng chảy môi trường ở hạ lưu, do các công trình thủy điện hầu hết không có nhiệm vụ điều tiết nước trong mùa cạn ở hạ lưu sông.

Gần đây, công nghệ tưới tiết kiệm được áp dụng đã mang lại hiệu quả rất cao nhưng vẫn còn nhiều rào cản để có thể áp dụng. Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm lượng nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.

Sử dụng nước tại ĐBSCL

Theo Viện BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, hiện nguồn nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm 70%, nước dùng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chỉ chiếm hơn 20% và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng cho sinh hoạt của người dân. Con số trên cho thấy, nhu cầu nước ngọt dùng cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL là rất lớn. Để có 1 tấn lúa, cần đến 4.500 - 5.000m3 nước.

Nguồn: Viện BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, 2017

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài nhu cầu sử dụng nước cho tưới tiêu, nhu cầu sử dụng nước cho chăn nuôi trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Theo Báo cáo thống kê về chăn nuôi Việt Nam, nếu tính trung bình mỗi con lợn thịt sử dụng khoảng 30 lít nước/ngày cho làm mát và vệ sinh chuồng trại thì hàng năm, với khoảng 26 triệu con lợn thịt thì chỉ riêng chăn nuôi lợn đã thải ra khoảng gần 300 triệu m3 nước thải chăn nuôi/năm, chưa kể các loại gia súc, gia cầm khác. Với lượng nước thải chăn nuôi trên, nếu không được kiểm soát và xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Ngành du lịch - dịch vụ

Năm 2018, ngành dịch vụ đóng góp 42,7% vào giá trị GDP quốc gia, và là ngành tăng trưởng nhanh kể từ năm 2015 trở lại đây. Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, ngành dịch vụ đã và đang góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Du lịch cần nguồn nước đủ để duy trì và phát triển ở hầu hết các hoạt động: từ khai thác những điểm du lịch sẵn có trong tự nhiên như thác nước, sông suối, hang động... đến các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...

Thế mạnh của du lịch nước ta là các danh thắng thiên nhiên được xếp hạng có tiếng trên thế giới và trong khu vực, nhiều danh thắng là di tích quốc gia... Tuy nhiên, việc khai thác du lịch không bền vững, đặc biệt việc phát triển ồ ạt các hình thức du lịch sinh thái nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về bảo tồn tự nhiên và bảo vệ môi trường, khiến cho môi trường tự nhiên nói chung, môi trường nước nói riêng tại nhiều khu vực bị suy thoái, ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

Ngành điện

Mặc dù cơ cấu ngành điện đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng từ thuỷ điện, nhưng thuỷ điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành điện ở nước ta. Hiện nay thủy điện Việt Nam chịu sức ép về nguồn nước do các quốc gia trong khu vực ở đầu nguồn nước đã và đang xây dựng nhiều công trình thủy điện, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy và khả năng cung cấp nước cho các con sông, nhất là ở khu vực hạ lưu.

Để đáp ứng các yêu cầu trữ lượng, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước trong mùa khô và phòng, chống và giảm lũ, lụt trong mùa mưa, nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các hồ chứa nước. Theo kết quả thống kê, rà soát sơ bộ, cả nước có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. Trong đó, khoảng 2.100 hồ đang vận hành với tổng dung tích hơn 34 tỷ m3. Trong số các hồ nêu trên, có khoảng 800 hồ thủy điện, tổng dung tích trên 56 tỷ m3, tuy nhiên, mới chỉ có 59 hồ đã đi vào vận hành. Ngoài ra, hiện trên toàn quốc còn có khoảng 2.100 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích hơn 9 tỷ m3 nhưng phần lớn là hồ chứa nhỏ.

Tình hình xây dựng các đập thủy điện trên Hệ thống sông Mê Công

Trên dòng chính sông Mê Công có 07 công trình đập thủy điện đã được xây dựng trên phía thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, dự kiến năm 2030 sẽ có 11 đập được xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công tại Lào và Campuchia, trong đó có 03 đập đang được xây dựng và 01 đập dự kiến xây dựng vào năm 2022 cùng với 78 con đập trên dòng phụ của sông Mê Công. Các đập thủy điện này không chỉ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn sự di chuyển của cá, giảm luồng trầm tích, sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát sinh học mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông, lòng sông, xâm nhập mặn, tác động tích lũy xuyên biên giới đối với khu vực ĐBSCL của nước ta.

Nguồn: Bộ TN&MT, 2018

Các LVS có số lượng hồ chứa và tổng dung tích các hồ chứa lớn gồm: sông Hồng, gần 30 tỷ m3; sông Đồng Nai, trên 10 tỷ m3, sông Sê San, gần 3,5 tỷ m3; sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Srêpok có tổng dung tích hồ chứa từ gần 2 tỷ m3 đến 3 tỷ m3. Có 19 tỉnh có tổng dung tích hồ chứa từ trên 1 tỷ m3 trở lên.

Việc hình thành các hồ chứa thủy điện đã phục vụ tốt việc nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp và phục vụ du lịch. Tuy nhiên, vào mùa kiệt, một số khu vực hạ du của các dự án có nhà máy chuyển dòng sang lưu vực khác bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nước để tưới tiêu.

Hiện nay, chính sách cho tương lai của ngành năng lượng là tập trung phát triển nhiệt điện than như nội dung của Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là QHĐ VII Điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến đến năm 2030, lượng điện được sản xuất từ điện than đạt mức 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53% tổng sản lượng điện toàn quốc. Trong khi đó, lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3,7% tổng lượng điện sản xuất (tăng lên không đáng kể vào năm 2030, chiếm 11% tổng cơ cấu nguồn). Hiện Việt Nam có 23 nhà máy điện than đang vận hành. Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong QHĐ VII Điều chỉnh được xây dựng, con số này sẽ tăng lên hơn 60 nhà máy vào năm 2030, và sử dụng nước để làm mát của các nhà máy nhiệt điện than sẽ lên tới 216 triệu m3/ ngày đêm.

Tất cả các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ và tiêu hủy sau vòng đời của các nhà máy nhiệt điện than đều có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước hoặc có tác động đến nguồn nước. Mỗi giai đoạn trong vòng đời của than từ khai thác - xử lý - vận chuyển - đốt than để sản xuất điện và thải loại đều có tác động tiêu cực tới nguồn nước.

Trong quá trình khai thác than, một lượng lớn nước ngầm sẽ bị hút khỏi lòng đất để có thể tiếp cận đến các mỏ than, ngoài ra nước còn được dùng để tưới giảm nhiệt nhằm giảm nguy cơ cháy hay nổ từ quá trình khai thác than. Điều này ảnh hưởng đặc điểm địa chất thủy văn vùng khai thác, làm hạ và giảm áp mực nước ngầm và ảnh hưởng đến các con sông trong khu vực.

Hoạt động sản xuất điện than yêu cầu một lượng nước rất lớn cho quá trình làm mát (khoảng 120 - 150 lít/kWh), nhiệt độ nước làm mát khi thải ra môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể cao hơn đáng kể so với nhiệt độ môi trường tiếp nhận, sẽ gây “sốc nhiệt” đối với các hệ sinh thái dưới nước.

Khai thác khoáng sản

Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có trên 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Hiện ngành khai thác khoáng sản đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang có tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ…

Đối với hoạt động khai thác mỏ than lộ thiên, phát sinh một lượng đất đá thải khá lớn; đất đá bị đào xới; đồng ruộng, khe suối phía dưới các bãi thải bị bồi lấp do sạt lở, xói mòn khi mưa lũ. Trong khai thác vàng, bên cạnh các cơ sở được cấp phép, vẫn còn những cơ sở khai thác chui, không tuân thủ quy định về quản lý và XLNT, dẫn đến nguy cơ nước thải chưa qua xử lý, chứa một số hóa chất độc hại như xianua, thủy ngân, thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Điển hình như tình trạng khai thác trái phép tại Mỏ vàng Bồng Miêu dẫn đến các sông trong khu vực ô nhiễm nặng.

Công nghiệp khai khoáng là thế mạnh của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt khai khoáng vàng gốc, vàng sa khoáng, than, sắt, titan và các loại quặng khác. Hoạt động khoáng sản phát triển mạnh nhưng quản lý không chặt chẽ, thiếu tổ chức. Các đống cuội, đá thải trong quá trình khai thác vàng, khai thác cát từ lòng sông đã ngăn cản, làm thay đổi dòng chảy, gây sự xói lở đất bờ sông, đê điều, gây úng lụt cục bộ.

Tại Việt Nam, trừ một số khoáng sản như dầu khí, than đá, đồng… có công nghệ khai thác, chế biến ở trình độ tương đối hiện đại và trung bình, còn lại phần lớn các khoáng sản khác được khai thác, chế biến bằng công nghệ thấp. Theo đánh giá, hoạt động khai thác lộ thiên chiếm đến 100% đối với khoáng sản vật liệu xây dựng, 97% đối với quặng, quặng phi kim loại và nguyên liệu hóa chất, 60 - 65% đối với than. Các mỏ khoáng sản nước ta phân tán nhỏ lẻ cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác.

Năm 2017, Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án nhằm đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng KH&CN tiên tiến, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về BVMT.

2. Biến đổi khí hậu và môi trường nước

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum

Thời điểm năm 2017, tại khu vực giáp ranh giữa xã La Phí (Chư Păh, Gia Lai) và làng Plei Chor (xã Hòa Bình, Kon Tum), tình trạng khai thác cát, đá không có giấy phép, hoạt động công khai với quy mô lớn trong một thời gian dài. Trước thực trạng vừa hút cát, vừa xẻ đất từ núi xuống để lọc lấy cát đã khiến con suối dưới chân đập Ia Băng cạn khô. Tình trạng sạt lở trở lên nghiêm trọng hơn, ruộng lúa, hoa màu của người dân nơi đây có nguy cơ băng hóa…

Nguồn: UBND xã Hòa Bình (Kon Tum),2017

Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của Tổ chức Germanwatch4 công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên về Biến đổi khí hậu (COP 24) diễn ra ở Katowice (Ba Lan) năm 2018, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, do yếu tố địa hình, tác động của BĐKH đến mỗi vùng miền có những tác động ở các mức độ khác nhau. Khu vực đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung thời gian qua phải chịu các đợt khô hạn kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn đã gây nên hạn hán và lũ lụt; đồng thời còn chịu tác động của nước biển dâng, bão lụt dẫn đến ngập mặn và sạt lở bờ biển. Nam bộ, là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn với mực nước biển dâng cao, dự báo vào năm 2030 sẽ có khoảng 45% diện tích tại khu vực này có nguy cơ nhiễm mặn cực độ; năng suất lúa sẽ giảm khoảng 9% so với hiện nay…

suc ep len moi truong nuoc cac luu vuc song
Xâm nhập mặn là hiện tượng gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng đến sớm hơn, đặc biệt là hiện tượng xâm nhập mặn tại các địa phương vùng ĐBSCL. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, 2016 nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô nhưng nồng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển ĐBSCL. BĐKH tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước Việt Nam, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài hơn, tồi tệ hơn, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững.

Bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa

Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình trong bốn tháng cuối năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019 trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ có xu hướng cao hơn 0,51,00C so với trung bình nhiều năm.

Lượng mưa

- Khu vực Bắc bộ: Lượng mưa tại Bắc bộ từ tháng 9 đến tháng 12/2018 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm. Tháng 1-2/2019 lượng mưa ở mức tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

- Khu vực Trung bộ: Tổng lượng mưa từ tháng 9/2018 đến tháng 2/2019 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%, riêng tháng 1/2019 khu vực Bắc Trung bộ ở mức xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa ở khu vực Trung bộ.

- Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ: Lượng mưa tháng 9/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, 2019

Tác động của BĐKH đối với nguồn nước

Theo UN-REDD (2016), các vùng đất thấp như ĐBSCL và các vùng ven biển sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng 30 cm vào năm 2050.

Theo ước tính của ADB, mực nước biển dâng một mét sẽ làm ngập một phần tư Tp.Hồ Chí Minh, nơi có tới 6 triệu người, và sẽ làm ngập 11.000 km đường 56. Trong trường hợp xấu nhất được đánh giá bởi WEPA, mực nước biển dâng 1,5 mét sẽ làm mất 16% diện tích đất, giảm 35% GDP và ảnh hưởng đến 35% dân số.

Nguồn: TCMT tổng hợp, 2018

Trong những năm gần đây, hiện tượng xói lở bờ sông thường xuyên xảy ra và có những diễn biến phức tạp cả về phạm vi và quy mô, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng ĐBSCL, đặc biệt là năm 2017 và đầu năm 2018, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được xử lý.

BĐKH không chỉ tác động đến các vùng đất thấp, khu vực cửa sông ven biển, do ảnh hưởng của BĐKH, ở các địa phương miền núi phía Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng xói lở đất nghiêm trọng, điển hình trận mưa trái mùa từ ngày 23-26/6/2018 được xem là trận mưa lũ lịch sử hơn 50 năm qua tại Lai Châu và Hà Giang khiến 23 người thiệt mạng, 10 người mất tích, có những nơi lũ nhấn chìm gần như cả bản, gây thiệt hại gần 460 tỷ đồng.

Xói lở bờ sông khu vực ĐBSCL

Tại Đồng Tháp, trên bờ sông Tiền xảy ra hàng chục vụ sạt lở ở 25 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài 35 km, cuốn trôi hơn 13 ha đất ven bờ; sạt lở đất dọc bờ bao, kênh, rạch, sông nội đồng với chiều dài sạt lở hơn 5 km, sâu vào bờ từ 2 đến 6m.

Tại An Giang, sạt lở bờ sông Vàm Nao, vụ sạt lở đã nhấn chìm hoàn toàn 16 căn nhà và cắt đứt tuyến đường liên xã, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng và tài sản của 92 hộ dân. Tại tỉnh Bến Tre, vụ sạt lở đê bao cồn Phú Bình - Phú Đa (huyện Chợ Lách) trên sông Cổ Chiên (12/2017), đoạn đê bao bị vỡ dài khoảng 100 m, đã gây ngập sâu hơn 1m trên diện tích gần 100 ha gồm vườn cây ăn trái, vườn dừa, nhà cửa, chuồng trại gia súc, gia cầm, ao cá… của gần 50 hộ dân khu vực đuôi cồn Thành Long chìm trong biển nước, khiến cuộc sống của các hộ dân chịu ảnh hưởng.

Tại TP Cần Thơ, hiện có hơn 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7 km.

Tại Cà Mau, đến nay trên địa bàn tỉnh có 80% đường bờ biển bị sạt lở. Tỉnh đã khắc phục sạt lở ở nhiều vị trí xung yếu bằng kè kiên cố dự ứng lực và kè ngầm tạo bãi với chiều dài gần 12 km. Hiện nay, các công trình này bước đầu có thể khắc phục sạt lở, vừa có thể giữ phù sa bồi đắp tái tạo bãi tái sinh cây mắm, khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.

Tại tỉnh Kiên Giang, tình hình xói lở bờ biển đang diễn biến phức tạp do sóng biển tác động làm hư hại rừng phòng hộ. Trong đó, đoạn bờ biển thuộc huyện An Minh có một vài đoạn xói lở đến thân đê. Tại Mũi Rãnh vàm sông Cái Lớn của huyện An Biên, xói lở đang ảnh hưởng đến đai rừng dài 2 km.

Nguồn: TCMT tổng hợp, 2018

Thu Trang (T/H)
Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động