Xây dựng các nhóm giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường lưu vực sông và làng nghề
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông
Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830-840 tỷ m3. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là nước có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, có nhiều yếu tố không bền vững về tài nguyên nước. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Chất lượng nước tại nhiều lưu vực sông của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái bởi nhiều nguyên nhân. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội trong công tác bảo vệ và cải thiện môi trường nước của các lưu vực sông, nhưng với nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước. Để góp phần giải quyết những thách thức nêu trên, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ, tác động tương hỗ mật thiết giữa thiên nhiên, con người với môi trường nước, việc lựa chọn các giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề về môi trường nước thuộc các lưu vực sông có tầm quan trọng đặc biệt.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Bắc, Lê Hoàng Anh cho biết: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần, hàng năm lập báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia. Năm 2018, Tổng cục Môi trường được giao chủ trì xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với chủ đề về “Môi trường nước các lưu vực sông”. Báo cáo cung cấp một cách nhìn tổng quan về chất lượng nước trên các lưu vực sông chính, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước ở nước ta trong thời gian qua, cũng như đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho các vấn đề này trong thời gian tới. Báo cáo bao gồm các nội dung chính: Tổng quan về các lưu vực sông của Việt Nam và sức ép lên môi trường nước các lưu vực sông; Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông; Diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông; Tác động của ô nhiễm môi trường nước mặt các lưu vực sông; Quản lý môi trường nước các lưu vực sông; Những thách thức và giải pháp.
Thời gian qua, nhất là trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn coi công tác quản lý và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hệ thống chính sách và văn bản về quản lý môi trường nước đã được xây dựng từ rất sớm và đang tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm quản lý môi trường lưu vực sông từ cấp trung ương, liên vùng, liên tỉnh, liên ngành và cấp địa phương cũng được rà soát, điều chỉnh qua từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các nội dung về quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông, đầu tư tài chính cho bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải cho tới việc sử dụng các công cụ quản lý như đánh giá tác động môi trường, cấp phép sử dụng nguồn nước, xả nước thải và nguồn tiếp nhận, các công cụ kinh tế, thanh tra kiểm tra, quan trắc giám sát môi trường nước… cũng tiếp tục được đẩy mạnh hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước.
Tập trung các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề
Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường làng nghề, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, theo số liệu được thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay cả nước có khoảng 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 1.800 làng nghề truyền thống được công nhận. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội của việc phát triển làng nghề (tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm đói nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, …), hoạt động sản xuất tại các làng nghề hiện đang gây ô nhiễm môi trường do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu sinh hoạt của dân cư nên khó kiểm soát và khó quy hoạch để khắc phục.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, đã xác định đầu tư kinh phí cho 47 làng nghề được xác định là ô nhiễm nghiêm trọng nhất để xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; năm 2013, Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó giai đoạn 2016-2020 tiếp tục xử lý ô nhiễm tại 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo dự thảo Báo cáo hiện trạng môi trường làng nghề gồm các nội dung chính sau: Thực trạng phát triển làng nghề; Diễn biến môi trường làng nghề; Kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; Phương hướng thực hiện trong thời gian tới; Nhiệm vụ và giải pháp.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị chủ trì xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với chủ đề về “Môi trường nước các lưu vực sông” và Báo cáo bảo vệ môi trường làng nghề.
Thứ trưởng cho biết: Công tác bảo vệ môi trường nhất là bảo vệ môi trường các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm và đã chuyển từ bị động sang chủ động. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, tập trung vào các cơ sở xả thải lớn, yêu cầu xử lý nhiều cơ sở vi phạm. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tổ chức thành công 03 Hội nghị lưu vực sông. Các đại biểu tham gia các Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như tổ chức bộ máy, giải quyết nhiều bất cập trong bảo vệ môi trường các lưu vực sông.
Thứ trưởng yêu cầu, trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 với chủ đề về “Môi trường nước các lưu vực sông” cần xây dựng được các nhóm các giải pháp tổng thể để bảo vệ và quản lý tổng hợp môi trường nước; nhóm các giải pháp cụ thể cho các lưu vực sông theo vùng địa lý và nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để khắc phục và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó hiệu quả diễn biến biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác động tới môi trường nước các lưu vực sông.
Đối với công tác bảo vệ môi trường làng nghề, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa và sớm giải quyết các vấn đề về môi trường, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, bám sát thực tế, theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai Đề án về cơ chế đột phá, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường làng nghề, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; áp dụng các công cụ, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải; hình thành ngành dịch vụ, ngành công nghiệp môi trường để giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường; thường xuyên quan trắc, đánh giá diễn biến môi trường, tập trung khoanh vùng các đối tượng chính gây những vấn đề môi trường bức xúc để chủ động kiểm soát chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý vi phạm.