Tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung cát san lấp để thi công cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh thi công đắp nền. |
Theo như số liệu trong bài viết mà Tạp chí Công nghiệp môi trường đã đăng, dự tính cần khoảng 18 triệu m3 cát đắp nền phục vụ dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, chỉ riêng năm 2023 đã cần gần 10 triệu m3 cát đắp nền. Và Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo giao cho tỉnh An Giang và Đồng Tháp, Vĩnh Long làm thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng công suất ở các mỏ đang khai thác, cấp lại giấy phép cho các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn tranh luận tại hội trường. |
Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang, việc tăng cường khai thác cát có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường, gây sụt lún, sói lở, đặc biệt đối với các nhánh sông Tiền, sông Hậu tại khu vực này. Mặt khác, đối với khu vực này, giải pháp xây dựng có thể bằng cách xây dựng “cầu cạn” để tiết giảm khối lượng cát đắp, cũng như giảm tác động xấu cho môi trường.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong quá trình thiết kế, phê duyệt dự án đã tính toán kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án chưa? Việc đánh giá tác động môi trường của dự án đã được tính toán phù hợp và bảo đảm tính khả thi, bền vững của dự án đến phát triển của cả vùng chưa? Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để bảo vệ môi trường khi nâng công suất, tăng cường khai thác các mỏ cát tại khu vực này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. |
Đề cập đến ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng có nên làm cầu cạn tại các khu vực này hay không? Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành, khi làm cầu cạn sẽ khiến chi phí tăng gấp 3-3,1 lần. Chưa kể, vẫn phải thực hiện đường gom trong khi nguồn lực có hạn.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu thận trọng vấn đề này, nếu có thể, Bộ sẽ trình để thí điểm trong lần sau, bởi nếu giờ dừng lại để chờ thí điểm cầu cạn thì nhân dân sẽ lại phải chờ và không biết khi nào mới hoàn thành được dự án.” - ông Thắng bày tỏ quan điểm.
Về nghiên cứu cát biển, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ rất quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt và thống nhất giao việc này cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu. Hiện nay việc thí điểm đã triển khai các bước theo đúng quy chuẩn.
“Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hoá phù hợp với môi trường. Về vấn đề chịu tải của cát biển khi làm vật liệu đắp nền đường hiện vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm, nhưng kết quả ban đầu khá là khả quan, bởi chỉ riêng Sóc Trăng là 14 tỷ m3 cát biển.” - Bộ trưởng Thắng nói./.