Những bất cập trong quản lý rác thải tại địa phương

03/09/2020 16:37 Quản lý nguồn thải
Kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Khu vực XIII đã chỉ rõ nhiều sai phạm và những bất cập liên quan đến hoạt động quản lý rác thải tại nhiều địa phương.
Tăng cường công tác quản lý rác thải sinh hoạt
nhung bat cap trong quan ly rac thai tai dia phuong
Công tác quản lý rác thải tại nhiều địa phương hiện còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa

Theo ông Trần Minh Khương - Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII cho biết, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cơ sở lớn ở quy mô vùng được đầu tư tập trung đầy đủ về mặt công nghệ và công suất xử lý để xử lý các loại chất thải nguy hại khác nhau. Công nghệ xử lý chất thải nguy hại của nước ta chưa hiện đại, dựa chủ yếu vào công nghệ đốt, không tiết kiệm được năng lượng cũng như có khả năng gây ô nhiễm thứ cấp nếu như các công trình bảo vệ môi trường liên quan hoạt động thiếu hiệu quả.

Đầu tư tài chính cho quản lý chất thải nguy hại chưa tương xứng. Mức phí thu gom, xử lý chất thải nguy hại còn chưa thoả đáng, vì vậy việc đầu tư cơ sở, công nghệ cũng như hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại còn manh mún, tự phát và chưa hiệu quả. Chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi không phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường còn chồng chéo và nhiều lỗ hổng. Hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhưng một số nội dung như: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn lại được giao Bộ Xây dựng thực hiện.

Theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp. Với quy định như vậy, trách nhiệm quy định chi tiết về xử lý chất thải rắn thông thường phát sinh trong hoạt động nông nghiệp đang bị chồng chéo giữa 2 Bộ.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn còn có những hạn chế tồn tại. Đó là, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý không đủ điều kiện hoạt động; việc phân loại, thu gom, xử lý không theo đúng quy định; chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa phù hợp khung giá định mức do Bộ Xây dựng quy định; nguồn thu hoạt động cung cấp dịch vụ chưa được tổng hợp đầy đủ, kịp thời.

Vì vậy, cần sớm có sự điều chỉnh quy định chính sách theo hướng thống nhất công tác quản lý chất thải, rác thải về một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính; đẩy mạnh xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt; rà soát sửa đổi bổ sung và ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng; có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp hành nghề quản lý chất thải nguy hại đầu tư các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo hướng thân thiện môi trường nhằm phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động