Phân loại rác tại nguồn là cần thiết cho sự phát triển
Thực trạng hiện nay của rác thải sinh hoạt
Hằng ngày, số lượng rác thải sinh hoạt xả ra môi trường trên địa bàn cả nước vào khoảng 60.000 tấn, trong đó 60% phát sinh từ đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% rác thải sinh hoạt hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó khoảng 20% được chôn lấp hợp vệ sinh. Như vậy, số lượng rác thải được chôn lấp không hợp vệ sinh là do quy trình thiếu đồng bộ hoặc thiếu công nghệ và thiết bị trong quá trình chôn lấp, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh, trong suốt thời gian dài mà những bãi rác này tồn tại trên địa bàn.
Quá trình xử lý rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh, thường có những biểu hiện trực quan như ô nhiễm không khí khi hít thở, ô nhiễm nguồn nước mặt khi nước chuyển màu, ruồi muỗi và côn trùng trong khu vực gia tăng đột biến về số lượng... Tuy nhiên, đối với tác động tiêu cực tới nguồn nước ngầm thì không xuất hiện trực quan, mà cần có thiết bị và công nghệ mới có thể đo lường chính xác mức độ ô nhiễm.
Những yếu tố tác động tới quá trình xử lý rác thải sinh hoạt
Thông qua tỷ lệ rác thải sinh hoạt đang áp dụng biện pháp chôn lấp cho ta thấy, chúng ta đang phó mặc cho tự nhiên, hay nói cách khác là ủy thác cho những con vi khuẩn trong đất một việc làm quá sức, để rồi những phần vi khuẩn không gánh được sẽ chuyển sang đôi vai của những thế hệ con cháu chúng ta sau này, một cách vô thức.
Đối với việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp, về bản chất chỉ tạo môi trường phân hủy và rút ngắn thời gian tồn tại của rác thải hữu cơ, giảm thiểu một phần ảnh hưởng tới chất lượng không khí và nguồn nước khi rác hữu cơ phân hủy, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các địa bàn dân cư lân cận và phụ thuộc vào lớp đất phủ trên bề mặt rác thải.
Với rác thải vô cơ, một số trong đó có thể tái sử dụng, một số không thể tái sử dụng nhưng đa phần đều khó phân hủy hoặc không thể phân hủy. Như vậy việc chôn lấp rác thải vô cơ không phải là giải pháp hữu hiệu, vì vậy cần có một góc nhìn phổ quát nhằm áp dụng công nghệ phù hợp cho từng phương pháp xử lý rác thải, theo từng chủng loại rác cụ thể.
Ngoài 70% lượng rác thải sinh hoạt được chôn lấp, số còn lại đang được xử lý thông qua một số phương pháp như đốt, tái chế làm vật liệu, sử dụng phương pháp hóa lý và sinh học, tái sử dụng nhiều lần... Tuy nhiên, hầu hết những công nghệ đang được áp dụng ở nước ta hiện nay đều cho hiệu quả thấp, không thu hút được nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này. Vậy nguyên nhân từ đâu và cần có giải pháp nào tháo gỡ tình trạng trên?
Nguyên nhân dễ nhận biết đó là rác thải hay còn gọi là nguyên liệu đầu vào của dây chuyền xử lý rác thải có chất lượng không ổn định, do không được phân loại từ nguồn dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả của công nghệ và thiết bị, giảm lợi nhuận trong quá trình xử lý. Một nguyên nhân nữa có tác động tới quá trình xử lý là lượng rác thải tập chung chủ yếu ở những nơi đông dân cư, khu đô thị, trong khi nhà máy xử lý phải nằm xa trung tâm kéo theo chi phí vận chuyển tăng, càng làm giảm sự mặn mà của các nhà đầu tư.
Xuất phát từ nguồn thải ta thấy, rác thải sinh hoạt hiện nay rất đa dạng về chủng loại từ túi nilon, hộp nhựa, vải sợi, phế thải xây dựng... đến thức ăn thừa, rau củ quả, sản phẩm nông nghiệp hư hỏng... nguyên nhân là do dân số gia tăng, đời sống của người dân được nâng cao, khoa học kỹ thuật phát triển và cho ra vô số những vật dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện lợi của người dân, kéo theo lượng rác thải sinh hoạt gia tăng, tỷ lệ thuận với mức tăng của dân số.
Trên thực tế, bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa nào đó để ra đến thị trường, cũng phải thông qua khâu sản xuất. Trong đó muốn mang lại hiệu quả kinh tế, việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc vận hành của tất cả các khâu từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào, tối đa hóa chi phí trong khâu sản xuất, đến tận dụng lợi thế của sản phẩm ngoài thị trường... đều rất cần thiết nhằm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt chưa được coi là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy hầu như không có sức cạnh tranh ở khâu trao đổi, mua bán sản phẩm ngoài thị trường. Từ góc nhìn lợi ích xã hội, cần có cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực này, tạo môi trường giúp sản phẩm xử lý chất thải có sức cạnh tranh và dần phát triển như một thị trường hàng hóa.
Muốn sản phẩm của rác thải sinh hoạt sau xử lý tiến dần đến thị trường hàng hóa và thu hút được vốn đầu tư, hàng loạt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho quá trình đó từ khâu phân loại rác tại nguồn, đầu tư công nghệ thiết bị, đến khâu sản xuất và cho ra sản phẩm, cần được quan tâm, giúp giảm chi phí xử lý môi trường trong tương lai, giảm thiểu sự nguy hại đối với sức khỏe con người.
Một số giải pháp cho câu chuyện rác thải sinh hoạt
Thứ nhất: Chúng ta thường nói tới ý thức của người dân chưa cao trong việc xả thải không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, ngoài xem xét về ý thức trách nhiệm thì một giải pháp phù hợp tạo ra sự thuận lợi cho người dân trong quá trình xả thải, kết hợp với các chế tài cụ thể, sẽ giúp giảm thiểu hành động xả thải sai quy định. Đây là bài toán đặt ra cho các nhà khoa học và chính quyền cơ sở, cũng như đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, nhằm đạt hiệu quả cao nhất ở khâu thu gom rác.
Thứ hai: Đã đến lúc việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phải đưa ra luận bàn, đánh giá, nhằm tìm được giải pháp triển khai hữu hiệu, giúp thuận lợi cho công đoạn xử lý sau cùng. Khi hiệu quả xử lý rác thải tăng, tạo sức hút cho các nhà đầu tư, mặc nhiên công nghệ tiến bộ trong lĩnh vực xử lý rác thải sẽ xuất hiện, lợi ích xã hội sẽ được hình thành một cách rõ rệt.
Thứ ba: Vị trí đặt nhà máy phụ thuộc rất nhiều vào lượng rác thải có trong khu vực, nhằm đáp ứng đủ cho công suất của dây chuyền xử lý. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có quy hoạch cụ thể cho loại công nghệ nào, xử lý rác thải gì, nhu cầu thực tế bao nhiêu, nhà máy đặt ở vị trí địa lý nào là tối ưu nhất... tránh lãng phí nguồn lực.
Thứ tư: Song song với các vấn đề nêu trên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế và cụ thể mọi khó khăn, thuận lợi để có cơ chế chính sách phù hợp, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai mục tiêu quy hoạch ngành, đối với xử lý chất thải sinh hoạt.
Với quyết tâm của Việt Nam, thông qua cam kết của Thủ tướng Chính phủ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Cop 26, đồng nghĩa với tất cả mọi biện pháp từ xả thải đúng nơi quy định, phân loại tại nguồn và xử lý rác thải một cách khoa học, đều trở thành những yếu tố có tính trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trước lời cam kết đó.
Một số hình ảnh điểm tập kết rác sinh hoạt trong nội thành Hà Nội.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.