Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Thực trạng và giải pháp

25/09/2023 10:02 Nghiên cứu, trao đổi
Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay với bài toán “nội địa hoá”. Những điểm nghẽn chính vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều cơ chế chính sách được đưa ra.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Thực trạng và giải pháp
ảnh minh họa

Thực trạng ngành công nghiệp ô tô

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ ô tô rất tiềm năng trong khu vực. Trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines trở thành thị trường tiêu thụ ô tô lớn thứ 4 trong ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố là quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe (mặc dù vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân)...). Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến 2025.

Hiện tại thị trường ô tô tại Việt Nam tương đối nhỏ, với hơn 10 nhà sản xuất gốc (OEM: Original Equipment Manufacturing) tham gia, bao gồm Toyota, Honda, Suzuki, Isuzu, Mitsubishi, Nissan, Ford, Mercedes Benz, Thaco, TC Motor, VinFast và nhiều hãng khác. Tuy nhiên, sản lượng xe ô tô được sản xuất vẫn còn thấp so với công suất thiết kế. Tổng công suất của các hãng xe tại Việt Nam là khoảng 750.000 xe/năm, nhưng sản lượng thực tế năm 2022 chỉ đạt 439.600 xe, là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2022, lượng xe ô tô cá nhân bán ra tại thị trường Việt Nam đạt kỷ lục 508.547 chiếc, vượt qua mốc 500.000 xe, là điểm dấu mốc cho thị trường ô tô phát triển (Hoàng Lâm, 2023). Tuy nhiên, do số lượng mẫu xe quá đa dạng, các hãng không thể tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô, không đủ sản lượng để nội địa hóa phụ tùng và linh kiện, buộc các công ty lắp ráp phải nhập khẩu.

Trong quá trình sản xuất ô tô, Việt Nam thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản. Mỗi chiếc ô tô cần sử dụng khoảng 30.000 chi tiết và linh kiện, bao gồm nhiều loại vật liệu như thép, nhựa, cao su, chất dẻo,,… Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để cung cấp các loại vật liệu này. Theo Bộ Công Thương, khoảng 80-90% nguyên liệu chính như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật phải nhập khẩu. Ngay cả vật liệu làm khuôn mẫu cũng phải nhập khẩu. Mỗi năm, các doanh nghiệp phải chi khoảng hơn 5 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe (Nhật Linh, 2023). Điều này làm giảm tính chủ động trong quá trình sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành Ô tô.

Một số xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực ô tô trên thế giới, bao gồm:

Thứ nhất, công nghệ cảm biến: Với mục đích tăng khả năng tự động hóa và tối ưu các tính năng hỗ trợ vận hành, các cảm biến đang và sẽ được sử dụng ngày càng đa dạng trên ô tô

Thứ hai, công nghệ mạng không dây: Mạng không dây có vai trò quyết định tới việc cung ứng bốn loại ứng dụng chính trên ô tô, đó là: dẫn đường, quản lý xe, thanh toán, và an toàn lưu thông. Toàn bộ các ứng dụng hiện nay đều dựa trên việc kết nối dữ liệu giữa xe và hạ tầng mạng, tiêu chuẩn giao tiếp giữa xe với xe hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Với sự phát triển nhanh chóng của các xe thông minh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công nghệ mạng không dây về tốc độ truyền dẫn, độ tin cậy, độ phủ, …

Thứ ba, công nghệ điều khiển thông minh: Sự phát triển của công nghệ đã và đang thay đổi mạnh mẽ cách con người tương tác với xe ô tô. Trên các ô tô truyền thống, các thao tác của con người sẽ trực tiếp tác động đến việc vận hành của xe, điều này sẽ dần được thay thế bởi các hệ thống thông minh để tăng hiệu quả và tính an toàn.

Thứ tư, công nghệ tự hành: Công nghệ tự hành được tích hợp bởi nhiều công nghệ thành phần khác nhau như rada, camera, siêu âm, sóng radio, hệ thống định vị toàn cầu ,… để vận hành xe an toàn trên đường.

Thứ năm, công nghệ pin xe điện: Với sự phát triển theo xu hướng tất yếu sang các dòng ô tô dùng điện, công nghệ sản xuất pin đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Hiện nay, pin Li-Ion đang được dùng phổ biến nhất trên các dòng xe điện nhờ có mật độ tích trữ năng lượng cao và công suất lớn, cho phép phát triển các modun với khối lượng, kích thước nhỏ và giá cạnh tranh. Tuy nhiên, nhược điểm của pin Li-Ion là phát sinh nhiệt độ cao, có thể ảnh hưởng tới sự vận hành, độ an toàn và vòng đời sử dụng nên cần có hệ thống quản lý và giám sát nhiệt độ. Ngoài ra, pin Li-Ion cũng gặp một số vấn đề liên quan tới tái chế và hạ tầng trạm xạc trong quá trình sử dụng. Ngoài pin Li-Ion, xe điện còn có thể sử dụng các loại pin khác như pin Niken (Ni-MH), pin Lithium Sulphur (Li-S), và pin muối nóng chảy (Na-NiCl2). Pin Ni-MH được phát triển mạnh khoảng hai thập kỷ trở lại đây với mục đích dùng cho công nghiệp ô tô.

Hiện tại Việt Nam là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển nhưng lại là nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất chỉ đạt khoảng 10 - 15% tùy hãng. Trong khi đó các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 70% nhờ có thị trường lớn hơn. Những bộ phận trên xe hơi được làm chủ yếu từ sắt thép trong khi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung sắt thép phục vụ nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy xu thế của ngành chế tạo ô tô trong giai đoạn tới vẫn là nâng tỷ trọng sử dụng các sản phẩm trong nước, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho nhiều dòng xe, tập trung phát triển động cơ đốt trong, đặc biệt là các động cơ dùng cho xe buýt, xe tải cỡ nhỏ, hướng tới nội địa hóa hoàn toàn việc sản xuất khung gầm, xắt xi cho các xe tải nhỏ, xe buýt.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô còn nhiều hạn chế

Đa phần các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, cũng như chưa tham gia nhiều vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu trong ngành Ô tô. Lý do chính là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này gặp phải một số vấn đề sau:

Nguồn lực về vốn, công nghệ, con người: Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô tại Việt Nam thường có quy mô vừa và nhỏ, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa... Trình độ công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn lao động chưa được đào tạo đúng chuyên môn và không có kinh nghiệm trong ngành ô tô, do vậy, chỉ sản xuất được các linh kiện giản đơn với giá trị kinh tế thấp, thiếu sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguyên vật liệu và thời hạn giao hàng từ các tập đoàn lớn.

Năng lực nghiên cứu: Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô tại Việt Nam thường thiếu nguồn lực về vốn và con người để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới. Hầu hết các doanh nghiệp này không có bộ phận nghiên cứu phát triển, thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và trang thiết bị thí nghiệm hiện đại. Do đó, sản phẩm của họ thường chỉ theo mẫu mã hiện có hoặc nhái lại mẫu mã đã có sẵn.

Nguồn lực lao động thiếu cả về chất lượng và số lượng. Nội dung đào tạo tại các trường nghề chưa gắn với thực tiễn sản xuất. Chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa cung và cầu lao động, giữa đào tạo và thực tiễn, giữa các trường và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô sử dụng lao động có tay nghề kỹ thuật cao.

Sự liên kết trong mạng lưới sản xuất giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, và giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau hiện còn hạn chế. Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô gồm nhiều phân ngành như sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện cao su, điện - điện tử, hóa chất, da giày, dệt may... Các phân ngành này hoạt động độc lập nhưng lại có quan hệ kỹ thuật chặt chẽ với nhau, yêu cầu sự phối kết hợp để đạt độ chính xác cao phục vụ cho sản xuất ô tô. Các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện thiếu khả năng tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lắp ráp nước ngoài, gây ra việc chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô mới thành lập trong nước còn thiếu kinh nghiệm và khả năng thu hút các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng, tạo nên một mắt xích yếu trong mạng lưới sản xuất.

Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Ô tô

Công nghiệp hỗ trợ cho ngành Ô tô có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô mà còn có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành Ô tô phát triển sẽ thúc đẩy giảm nhập khẩu các loại kinh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm phục vụ ngành sản xuất ô tô của một quốc gia, hạn chế nhập siêu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Ô tô. Bên cạnh đó, sẽ tạo hiệu ứng kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển như các ngành luyện kim, cao su, nhựa, hóa chất, điện - điện tử…, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành Ô tô một cách toàn diện, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Qua những phân tích từ lý luận, thực trạng, tác giả bài viết xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tạo dựng khuôn khổ thể chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Ô tô và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành năm 2014, nhưng nhiều mục tiêu vẫn chưa được đạt, bao gồm mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Chính phủ cần xây dựng lại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Ô tô và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ theo xu hướng thế giới, bao gồm Chương trình phát triển xe ô tô sử dụng điện và chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện. Đồng thời, cần ban hành các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ liên quan, đồng bộ, nhất quán, ổn định và minh bạch, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan.

Hai là, phát triển thị trường ô tô nội địa

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô chủ yếu được cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, không trực tiếp liên quan đến thị trường tiêu dùng. Do đó, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Ô tô, cần phát triển ngành công nghiệp Ô tô để tạo nhu cầu cho các sản phẩm này. Chính phủ có thể tăng quy mô thị trường ô tô trong nước bằng cách cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng đường, cầu, hầm và các điểm đỗ xe. Đồng thời, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm các phí liên quan để thúc đẩy người dân mua sắm ô tô. Kiểm soát nhập khẩu xe và áp dụng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, và thuế đối với xe cũ nhập khẩu để bảo vệ thị trường trong nước. Để đảm bảo nhất quán, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, xây dựng lộ trình phát triển thị trường ô tô trong từng giai đoạn và thực hiện các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ba là, phát triển nền khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp vật liệu cơ bản

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Ô tô đòi hỏi phải phát triển ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, đặc biệt là sản xuất thép. Ngành thép có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế quan trọng như cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất thép, cần xây dựng chính sách thúc đẩy đầu tư vào các dự án sản xuất thép và xây dựng tổ hợp luyện kim có quy mô lớn. Cần cung cấp ưu đãi về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ các dự án thép. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng chính sách liên bộ để tháo gỡ rào cản phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô và đánh giá nguyên vật liệu đầu vào. Cần tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu cho các nguyên liệu như cao su, và thu hút đầu tư vào công nghệ và máy móc sản xuất. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô có nguồn cung cấp ổn định từ thị trường trong nước.

Ngoài ra, có thể thấy, hiện tại mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô không lớn hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất phôi và chi tiết đúc cho ngành chưa nhiều và tỷ lệ sai hỏng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành.

Bên cạnh đó, xu hướng điện hóa ô tô đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Hiện nay, đối với ô tô điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Do đó, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện của Việt Nam trong khu vực là rất tiềm năng nếu Chính phủ sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội, đặc biệt là trong bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư và tái cấu trúc chuỗi giá trị công nghiệp trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Pv
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động