Phát triển ngành tôm xanh và bền vững

07/11/2023 14:07 Tăng trưởng xanh
Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP 26, đến năm 2050, Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0, tức “Net – Zero” về phát thải. Thực hiện cam kết này, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giải pháp để giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển ngành tôm xanh và bền vững
Nuôi tôm - lúa ở Bạc Liêu cho lợi nhuận cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển “nuôi tôm ôm cây lúa” theo hướng hữu cơ, truy xuất dấu chân carbon trong chuỗi giá trị tôm và chuỗi giá trị lúa gạo đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính gần chạm đến ngưỡng “Net Zero”…

Trong 10 năm (2012-2022), diện tích nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam đã tăng gấp 1,2 lần; sản lượng tăng gấp 2,29 lần: từ diện tích nuôi 644 nghìn ha năm 2012 đã đạt 737 nghìn ha năm 2022; sản lượng tôm nước lợ thu hoạch từ mức 463 nghìn tấn năm 2012, đã đạt 1,014 nghìn tấn năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tôm đã tăng gấp 2,27 lần, từ 2,1 tỷ USD năm 2012 đã đạt 4,3 tỷ USD năm 2023.

Đến nay, đã hình thành các tỉnh trọng điểm, vùng nuôi tôm tập trung công nghệ cao; hình thành vùng sản xuất giống tôm tập trung (2.224 cơ sở). Hiện cả nước có hơn 500 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, trong đó có 96 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Cả nước hiện có 500 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm với tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm.

Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD trị giá mặt hàng tôm, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 74% với 1,6 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022; tôm sú chiếm 14%, đạt 315 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế cũng là những thách thức đối với ngành tôm Việt Nam hiện nay, đó là: suy thoái môi trường và bệnh dịch; chất lượng đầu vào (giống, thức ăn, hóa chất…) khó kiểm soát; tổ chức sản xuất và năng lực kỹ thuật còn hạn chế; mức độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; biến động các chỉ tiêu môi trường nước, chất lượng môi trường kém; tiềm ẩn ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp (hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật).

Nước thải, phân và các chất bài tiết của tôm; bùn thải chứa các loại hóa chất, thuốc kháng sinh tích tụ và tồn lưu trong môi trường. Các nguồn phát thải này góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính (phát thải khí CO2, SO2, PO4) và làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với lúa, nhiều nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách, các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp...

Việc kết hợp thả nuôi tôm trong ruộng lúa, canh tác theo hướng hữu cơ đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Trong ruộng lúa, các loại tảo khuê, tảo lam phát triển, trở thành thức ăn cho tôm, nhờ vậy giảm đến tối đa lượng thức ăn công nghiệp cho tôm. Phân do tôm thải ra sẽ trở thành dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, nên không cần sử dụng phân bón hóa học.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đã đo lường lượng phát thải khí nhà kính đối với từng mô hình nuôi tôm (kgCO2 tương đương/kg tôm tươi) cho thấy: Nuôi thâm canh 9,3; nuôi siêu thâm canh 11,7; nuôi siêu thâm canh theo ASC 12,5. Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh lại vô cùng thấp, tiệm cận mức Nét – Zero: Nuôi tôm rừng 0,8; Nuôi tôm rừng hữu cơ 0,3; Nuôi tôm quảng canh cải tiến 07; mô hình lúa – tôm chỉ 1,3.

Phát triển ngành tôm xanh và bền vững

Hướng tới thực thi cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 là đưa phát thải về “net zero” vào năm 2050, ngành hàng tôm cần phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn: Đầu vào “xanh” – Tái sử dụng tất cả các nguồn “thải” cho một quy trình sản xuất khác. Các nông hộ, trang trại nuôi tôm nên chuyển đổi theo hướng tuần hoàn khép kín, nuôi đa loài trong một ao, trang trại sản xuất kết hợp (tôm + khác), sử dụng các đầu vào “xanh” như: dùng điện mặt trời hoặc sử dụng năng lượng xanh, ngừng sử dụng phân bón hóa chất, nuôi thêm các loài hấp thu hữu cơ (chất lơ lửng), nuôi kèm các loài hấp thu vô cơ (N, P,…).

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Cả nước đồng lòng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Phiên bản di động