Dự án Điện gió ngoài khơi Bình Định góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, phát triển bền vững
Quyết tâm đưa dự án trang trại điện gió ngoài khơi Hòn Trâu phát triển, thành công
Tập đoàn PNE là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực điện gió tại Đức, hoạt động trên quy mô toàn cầu và là một trong những nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi và trên bờ có nhiều kinh nghiệm nhất. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, PNE đã phát triển dự án Năng lượng tái tạo ở 14 quốc gia, 4 châu lục, với tổng vốn đầu tư cho các Dự án năng lượng tái tạo đạt hơn 13 tỷ euro.
Dự án Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu có tổng vốn đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD. Tổng công suất 2.000 MW, phân kỳ chia thành 03 giai đoạn: giai đoạn 1, lên đến 750MW, dự kiến hoàn thành trước năm 2030; giai đoạn 2 lên đến 750 MW; giai đoạn 3 lên đến 600MW, dự kiến hoàn thành trước năm 2035.
Số lượng tuabin dự kiến lắp đặt khoảng 50 tuabin cho mỗi giai đoạn, với công suất mỗi tuabin lên đến 15MW.
Tại Lễ khai trương văn phòng PNE tại Tp Quy Nhơn, Ông Fastenau, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn PNE cho biết: Tập đoàn PNE và Dự án Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu trong suốt thời gian qua đã luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành tối đa từ Lãnh đạo tỉnh Bình Định. Từ đó, dự án đã đạt được một số cột mốc phát triển quan trọng, cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, quyết tâm cao độ và phối hợp chặt chẽ giữa hai bên.
Ngày 30/10, Tập đoàn PNE đã tổ chức lễ khai trương văn phòng đại diện tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. |
Từ năm 2019 đến nay, tập đoàn PNE đã tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu phát triển dự án, đồng thời, chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm triển khai dự án một cách nhanh nhất, khi được cấp chủ trương đầu tư.
Thời gian qua, Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và CHLB Đức đã thông qua các cuộc làm việc để xúc tiến phát triển mạnh mẽ dự án.
“Với tầm nhìn chiến lược và mục tiêu rõ ràng nhằm hiện thực hóa giai đoạn 1 của dự án Hòn Trâu, đến năm 2030 là dự án điện gió ngoài khơi thí điểm cho Việt Nam và cũng là dự án thí điểm trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức. Đồng thời với tất cả chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực của Tập đoàn PNE, chúng tôi cam kết thúc đẩy dự án bằng tất cả mọi nỗ lực, đam mê và tâm huyết của mình nhằm đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như đóng góp vào triển vọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định”, Ông Fastenau nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cùng lãnh đạo Tập đoàn PNE trực tiếp khảo sát khu vực triển khai dự án trang trại điện gió. |
Phát biểu trực tuyến, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch Tập đoàn PNE chia sẻ: Chúng tôi tập trung tại nơi đây ngày hôm nay với sự phấn khởi, hy vọng và quyết tâm, để cùng nhau viết nên một chương mới trong hành trình phát triển và thành công của dự án trang trại điện gió ngoài khơi Hòn Trâu.
Ông cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các Sở ban ngành liên quan đã hỗ trợ, đồng hành và tin tưởng tối đa, đã thúc đẩy dự án đạt được những bước tiến thành công như ngày hôm nay. Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và tỉnh Bình Định là vô cùng quan trọng đối với sự thành công của dự án và cũng như mục tiêu của dự án sẽ được chọn làm dự án điện gió ngoài khơi thí điểm tại Việt Nam trong khuôn khổ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và bền chặt giữa Việt Nam và Đức.
Sớm hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh
Ngày 30/4, tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác CHLB Đức, do bà Helga Margarete Barth - đại sứ CHLB Đức tại Việt nam dẫn đầu, cùng đại diện phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) và Tập đoàn PNE, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đón tiếp bà Helga Margarete Barth và các thành viên đoàn công tác đến thăm Bình Ðịnh; đồng thời thông tin về định hướng phát triển, tiềm năng, lợi thế và chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh.
Tỉnh Bình Định tiếp và làm việc với đoàn công tác CHLB Đức, cùng đại diện phòng Công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn PNE. |
Theo quy hoạch, tỉnh Bình Định đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, định hướng đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ của Việt Nam; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics và đô thị hóa. Bình Định còn là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
Ngoài ra, Bình Định là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt với bờ biển của tỉnh dài 134 km rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngày 21/11/2022, UBND tỉnh Bình Định và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại tỉnh Bình Định. Tại đây, UBND tỉnh và AHK Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác theo Luật thỏa thuận quốc tế.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định cho biết, toàn tỉnh hiện có 91 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 04 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp CHLB Đức, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 60,5 triệu USD đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định sang Đức ước đạt gần 48 triệu USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, tỉnh đang tích cực xúc tiến các thủ tục liên quan để Tập đoàn PNE sớm triển khai Dự án điện gió ngoài khơi, với công suất dự kiến là 2.000MW, vốn đầu tư 4,6 tỷ USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu được xác định là một trong những dự án quan trọng và tâm huyết mà tỉnh đang quyết tâm theo đuổi. Dự án sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, góp phần tăng thu ngân sách địa phương và đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt, giúp hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo Tập đoàn PNE trong chuyến khảo sát thực địa khu vực dự án. |
Dự án trang trại điện gió ngoài khơi sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương. Đồng thời, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm tham quan, du lịch học tập, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Bà Helga Margarete Barth - đại sứ CHLB Đức tại Việt nam cho biết, Chính phủ Đức ủng hộ và đồng hành với Tập đoàn PNE trong việc đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Bình Định. Hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiện có những bước đi quan trọng, dự án cũng đã có những tiến triển tích cực mới.