Bình Định: Kết nối doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển thị trường thông qua thương mại điện tử

25/09/2024 13:41 Kinh tế, xã hội
Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), kết nối doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại hóa. Ngày 23/09, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức “Hội thảo hướng dẫn, định hướng kết nối doanh nghiệp với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong cả nước phát triển thị trường thông qua TMĐT cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về TMĐT và tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh việc kết nối giữa các doanh nghiệp với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, TikTok Shop, Alibaba, và các giải pháp logistics toàn diện; góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu, và tối ưu hóa các quy trình vận hành.

Các diễn giả, chuyên gia đầu ngành chia sẻ tại Hội thảo.
Các diễn giả, chuyên gia đầu ngành chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Kim Loan)

Đồng thời, giúp doanh nghiệp không chỉ củng cố thị trường nội địa mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương nhấn mạnh, TMĐT đang là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế cũng như nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng luôn không ngừng thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp trong thời đại số phải luôn biết cách thích nghi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng.

“Bên cạnh Triển lãm các mô hình công nghệ trong thương mại điện tử và các sản phẩm đăng ký tham gia, Hội thảo hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận và tìm ra những giải pháp tối ưu hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử”, Bà Lê Hoàng Oanh nói.

Cùng ngày, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Lễ khai mạc triển lãm các mô hình công nghệ trong thương mại điện tử và các sản phẩm đăng ký tham gia.
Cùng ngày, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Lễ khai mạc triển lãm các mô hình công nghệ trong thương mại điện tử và các sản phẩm đăng ký tham gia. (Ảnh: Kim Loan)

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, việc hội thảo lần này quy tụ được nhiều đại diện từ các sàn TMĐT hàng đầu và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp TMĐT uy tín trên toàn quốc là minh chứng cho sự quan tâm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương và các đối tác công nghệ, chúng ta có thể không ngừng cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua những rào cản trong quá trình chuyển đổi số”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Bình Định: Kết nối doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển thị trường thông qua thương mại điện tử
Việc kết nối với các giải pháp TMĐT tiên tiến không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận thị trường trong nước mà còn mở ra những tiềm năng lớn hơn cho hoạt động xuất khẩu, nhất là với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Qua những chia sẻ từ các diễn giả, chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp đã mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT và nâng cao chất lượng kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, thông qua các hoạt động kết nối, trao đổi trực tiếp, giúp các doanh nghiệp tìm thấy những đối tác tiềm năng để cùng nhau phát triển và tạo dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Theo ông Nguyễn Đình Kha – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2024, Sở Công Thương Bình Định đã hỗ trợ 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ 40 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ 20 doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT lớn của thế giới; 08 doanh nghiệp xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business cụ thể là phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT…

Thời gian qua, Sở Công Thương cùng với các Sở, ngành của tỉnh đã triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong đại bộ phận các doanh nghiệp của tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết quả, năm 2024, chỉ số TMĐT tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 02 bậc so với năm 2023; xếp thứ 06/15 tỉnh, thành thuộc miền Trung - Tây Nguyên.

Thời gian tới, tỉnh Bình Định phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua TMĐT chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; trên 40% - 45% các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT (theo Quyết định 4219/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định).

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động