Quán triệt nguyên tắc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ doanh nghiệp

22/05/2024 07:54 Nghiên cứu trong nước
Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 khẳng định quan điểm phát triển ngành công nghiệp hóa chất nhanh, bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn…

Thu hút đầu tư công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mới

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 định hướng phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông, khuyến khích các công nghệ tuần hoàn, sản phẩm, chất thải không sử dụng của nhà máy này làm nguyên liệu cho các nhà máy khác…

Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, công nghiệp hoá chất Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh với 10 phân ngành chính gồm hóa nông (phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật), hóa dầu, hóa chất cơ bản, điện hóa, sơn - mực in, khí công nghiệp, hóa dược, sản phẩm cao su, chất tẩy rửa và hóa chất khác.

Cục trưởng Cục Hóa chất thông tin, công nghiệp hoá chất được coi là ngành công nghiệp nền tảng trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, để ngành hoá chất phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Chiến lược, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư với các quốc gia phát triển với định hướng thu hút đầu tư công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mới, hướng tới phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, trước những cơ hội và thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện rõ sự nỗ lực, khẩn trương trong việc thực hiện các cam kết về môi trường nhằm bảo đảm tận dụng được tối đa các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và những cơ hội các Hiệp định thương mại tự do mang lại; Xây dựng và đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều quy định mới, phù hợp với các Công ước quốc tế, Điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Quán triệt tinh thần bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã nhấn mạnh trong một Hội nghị của Tập đoàn: “Thời gian qua, có những doanh nghiệp phải chi trả hàng tỷ đồng cho các vi phạm về bảo vệ môi trường, vừa thiệt hại kinh tế, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải quán triệt nguyên tắc: Bảo vệ môi trường vừa giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là bảo vệ môi trường”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem chia sẻ thêm, Luật bảo vệ môi trường sau nhiều lần sửa đổi đã có những yêu cầu ngày càng cao hơn, vì vậy, doanh nghiệp cũng cần phải quan ngày càng nhiều hơn đến trách nhiệm trong bảo đảm an toàn trong sản xuất.

Các phần diện tích trống trong nhà máy DAP Vinachem đều được sử dụng trồng cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạt - Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, thời gian qua, Vinachem đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, Tập đoàn ưu tiên phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất. Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn đã lồng ghép các nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo các quy định.

Là một đơn vị thành viên của Vinachem, nghiêm túc thực hiện chủ trương từ Tập đoàn, những năm qua, Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường đã được ban hành, thực hiện xuyên suốt, song hành với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững. Tất cả các đơn vị trực thuộc của Công ty đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chí cột A QCVN 40:2011/BTNMT trước khi thải vào môi trường. Toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được thu gom riêng biệt, đưa về hệ thống xử lý nước thải trung tâm của các nhà máy để xử lý sơ bộ trước khi giao cho Khu công nghiệp tiếp tục xử lý. Tất cả chất thải được phân loại ngay tại nguồn và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý. Chất thải chuyển giao đều được lập biên bản và chứng từ giao nhận theo đúng yêu cầu của pháp luật. Ngoài ra, không chỉ “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty cùng các đơn vị trực thuộc cũng luôn chú trọng cải tạo cảnh quan, xây dựng không gian xanh, môi trường sạch tại chính khuôn viên đơn vị, nhà máy, nơi làm việc.

Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam chỉ là một trong những điển hình trong việc triển khai chỉ đạo từ Lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Tại mỗi Công ty thành viên của Vinachem đều có phòng chuyên môn phụ trách công tác an toàn môi trường. Tại các đơn vị đều có bộ phận chuyên trách và kiêm nhiệm các cấp để quản lý, chỉ đạo, theo dõi giám sát thực thi công tác bảo vệ môi trường đồng bộ xuyên suốt từ Công ty xuống tới các tổ ca của các đơn vị, xí nghiệp.

Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Công ty thành viên đều chủ động xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng quy định quản lý môi trường nội bộ; Tổ chức đánh giá xây dựng các kế hoạch biện pháp ứng phó, khắc phục khi xảy ra các sự cố, rủi ro ảnh hưởng đến môi trường để giảm thiểu phát tán ra môi trường gây ô nhiễm môi trường…

Hoàng Ngân

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động