Quy hoạch phát triển điện quốc gia phải giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường

13/08/2020 12:37 Nghiên cứu, trao đổi
Những thách thức đối với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) bao gồm sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng trong nước, vượt qua được rào cản về hiệu quả năng lượng, đánh giá được tiềm năng của năng lượng tái tạo cũng như giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí và huy động tài chính trong khu vực tư nhân.
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
quy hoach phat trien dien quoc gia phai giam thieu tac dong bat loi voi moi truong
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là một phần bắt buộc giúp giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đạt trung bình khoảng trên 10%/ năm trong suốt giai đoạn 2011 – 2019. Phụ tải điện của Việt Nam theo dự báo vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 – 2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/ năm, giai đoạn 2031 – 2045 với tốc độ bình quân trên 4%/ năm. Quy hoạch điện VIII sẽ định hướng tương lai phát triển của ngành điện trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo; định lượng các mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm và đề xuất các giải pháp thực hiện Quy hoạch để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tại Hội thảo Ban đầu về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện 8, ông Đoàn Ngọc Dương – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, Quy hoạch điện 8 là một trong những hoạt động quốc gia có tầm quan trọng về điện lực, với mục tiêu nhằm đưa ra một chương trình phát triển lưới điện cho giai đoạn 10 năm tới, tầm nhìn 2045. Đó là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các hoạt động cũng như thu hút các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực kinh tế cùng tham gia sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, ĐMC là một phần bắt buộc giúp đánh giá những tác động của môi trường từ các phương án phát triển điện lực, từ đó vạch ra phương án tối ưu nhất, giảm thiểu tác động bất lợi với môi trường. Các phương pháp sẽ được so sánh, đánh giá dựa trên các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Thế Thắng - đại diện Viện Năng lượng cũng nhấn mạnh thêm: “Quy hoạch điện 8 diễn ra vào thời điểm ngành điện Việt Nam có nhiều thay đổi nhanh chóng. Những thách thức đối với Quy hoạch điện 8 bao gồm sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng trong nước, vượt qua được rào cản về hiệu quả năng lượng, đánh giá được tiềm năng của năng lượng tái tạo cũng như giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí và huy động tài chính trong khu vực tư nhân.

Viện Năng lượng đã xây dựng, thảo luận các vấn đề cốt lõi của Quy hoạch điện 8, như xác định một loạt các chỉ số cho ĐMC; đồng thời đưa ra những lĩnh vực cần đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như chi phí carbon tính cho phát thải khí nhà kính, đặc biệt từ nhiệt điện. Song song với đó là vấn đề ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Ảnh hưởng của việc phát triển nhanh năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời) đến tài nguyên đất.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Đại điện Phòng môi trường và phát triển bền vững cho rằng, việc phân tích đánh giá ĐMC dựa trên việc lấy ý kiến đóng góp về phương pháp luận thực hiện, và các chỉ số đánh giá các tác động môi trường. Xác định mục tiêu quốc gia phải tuân thủ và các tác động cần phải tránh và giảm thiểu trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8. Xem xét, đánh giá các kịch bản điện và đề xuất lựa chọn kịch bản tối ưu. Đánh giá, dự báo các tác động đến môi trường, xã hội, tài nguyên quốc gia của kịch bản phát triển Quy hoạch lựa chọn.

Với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo phải chiếm tỷ lệ trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất tương đương 30% năm 2030 và 40% năm 2045, như NQ55_NQ/TW đã nêu. Vấn đề cần lưu ý khi lập Quy hoạch điện 8 là sự gia tăng số lượng dự án điện từ rác thải do nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp trên cả nước hiện nay, nhưng hiện các dự án đang gặp phải khó khăn trong việc chốn lấp tro xỉ thải. Bên cạnh đó, áp lực về tiến độ các dự án ngày càng cao, các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên quốc gia, năng lực không đồng đều của các nhà thầu, thủ tục phê duyệt kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án. Do đó, cần có cơ chế, định hướng rõ ràng trong tương lai, đặc biệt là phát triển điện mái nhà sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên.

Các chuyên gia năng lượng cũng trao đổi về các định hướng lớn chương trình phát triển nguồn như tuân thủ các chính sách hiện hành của nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hướng đến phát triển thêm quy mô lớn nguồn điện gió, mặt trời với mục tiêu, công suất nguồn điện gió gấp hơn 3 lần và điện mặt trời gấp gần 2 lần so với Quy hoạch điện 7 và không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030.

Theo Quyết định 1264/QĐ-TTg ngày 01/10/2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch phải đảm bảo Phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; Ưu tiên phát triển hợp lý năng lượng tái tạo; Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng; Phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; Phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Thúy Hà
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động