Sóc Trăng: Nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường
Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, từ năm 2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Sóc Trăng đã duy trì thực hiện ký kết liên tịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể trong việc triển khai các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường; ...
Theo đánh giá của Sở TN&MT Sóc Trăng, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, nhân rộng các mô hình... bảo vệ môi trường do cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể triển khai thực hiện đã và đang góp phần quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp..; đồng thời, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hàng năm ngoài thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch liên tịch đã đề ra, thì các tổ chức, hội đoàn thể cũng rất quan tâm lồng ghép nhiều mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường vào các hoạt động của ngành...
Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ, cụm dân cư, với các chủ đề, chung tay bảo vệ môi trường, tái chế rác thải thành đồ gia dụng trong gia đình... Để nâng cao kiến thức cho các hội viên thực hiện mô hình “3 sạch và vệ sinh môi trường”, “biến đổi khí hậu”;..., Hội LHPN tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông bảo vệ môi trường, đồng thời hướng dẫn xử lý rác thải và ủ phân compost, vận động hội phụ nữ cơ sở thành lập các Tổ phụ nữ biến rác thành tiền, Tổ phụ nữ thu gom rác gây quỹ, Tổ phụ nữ 5 không, 3 sạch hay thực hiện mô hình “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp... ".
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Mỹ Loan cho rằng, thông qua các hoạt động này đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác truyền thông bảo vệ môi trường, hiểu được tác lại của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong phần chia sẽ kinh nghiệm các chị sẽ biết cách điều hành, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ được tốt hơn. Bằng những việc làm cụ thể đã phát huy vai trò của các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như duy trì nếp sống ngăn nắp, gọn gàng, thường xuyên vệ sinh nơi ở...
Đối với Tỉnh đoàn Sóc Trăng, hàng năm đều tổ chức phát động đoàn viên thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, tặng thùng rác công cộng, tổ chức hội thi tìm hiểu về môi trường, Ngày hội thanh niên với môi trường xanh, tổ chức đạp xe diễu hành tuyên truyền bảo vệ môi trường, hội thi vẽ tranh. Song song đó, Tỉnh đoàn còn chỉ đạo cho cơ sở Đoàn tập trung thực hiện các hoạt động văn minh đô thị, bảo vệ môi trường thông qua hoạt động vệ sinh khu phố, chăm sóc bảo vệ cây xanh, phân loại rác thải, giữ gìn mỹ quan đô thị, tổ chức các ngày thứ bảy tình nguyện, chủ nhật xanh,...
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các mô hình, công trình, phần việc theo kế hoạch liên tịch, đồng thời phát động toàn thể đoàn viên thanh niên tích cực tham gia và vận động nhân dân thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường...
Song song với công tác phối hợp, Sở TN&MT còn chủ động thành lập nhiều Tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường. mục đích của việc thành lập các tổ đại diện cộng đồng này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nhanh chóng, chính xác...
Hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, rác thải
Trước đây, toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP.Sóc Trăng và một số địa phương lân cận được tập kết về lưu chứa tại bãi rác phường 7. Do lượng rác thải phát sinh ngày một nhiều, trong khi diện tích lưu chứa của bãi rác phường 7 lại quá nhỏ, dẫn đến tình trạng quá tải, mùi hôi, nước rỉ rác tràn ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân. Để khắc phục tình trạng này, được sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành đóng cửa bãi rác và thực hiện công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại với công xuất xử lý 160 tấn/ngày để giải quyết lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Thông tin từ Công ty CP Công trình Đô thị tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong tháng 6/2018 Nhà máy xử lý chất thải rắn sẽ chính thức đi vào hoạt động, khi đó lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP. Sóc Trăng và một phần của huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú sẽ được vận chuyển về đây xử lý theo quy định.
Tại khu vực nông thôn, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư trên 10 tỉ đồng để để lắp đặt 5 lò đốt rác thải sinh hoạt ở TX. Ngã Năm, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú, huyện Kế Sách và huyện Long Phú.... Qua đó đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm từ các bãi rác chôn lấp lộ thiên, giải quyết cơ bản lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày của các hộ dân.
Trưởng Phòng TN&MT TX. Ngã Năm Nguyễn Minh Huệ cho rằng, từ năm 2015 đến nay, nếu không có lò đốt rác thải sinh hoạt này thì thị xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Minh Huệ, mỗi ngày trên địa bàn Thị xã phát sinh trên 10 tấn rác thải sinh hoạt, khi có lò đốt rác, tất cả được thu gom về đây đốt, nên tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường từ bãi lưu chứa rác của thị xã không còn xảy ra nữa.
Tại huyện Châu Thành, vào thời gian trước khi lò đốt rác thải tại ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa chưa đi vào hoạt động thì các phòng, ban chức năng và chính quyền xã Thuận Hòa gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi chứa rác tạm tại ấp Trà Quýt B, xã Thận Hòa. “Tuy nhiên, sau khi lò đốt rác đi vào hoạt động, khối lượng rác thải phát sinh mỗi ngày trên địa bàn huyện đều được thu gom, xử lý đạt hơn 80%, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở các điểm chợ hay tuyến dân cư. Đồng thời, đã giúp cho các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…” - ông Phan Đức Kháng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành nói.
Đối với nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các KCN cũng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư hoàn thiện. Ví dụ như tại KCN An Nghiệp, vừa qua tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khánh thành và đưa vào vận hành giai đoạn 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung với công xuất 10.000m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý toàn bộ nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các công ty, doanh nghiệp hoạt động tại KCN này.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.