Thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam"?

16/08/2019 11:09 Tăng trưởng xanh
Mới đây, Bộ Công Thương đã triển khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Nhưng cách hiểu và nhận diện hàng hóa sản xuất tại Việt Nam như thế nào? Chúng tôi xin trình bày chi tiết trong bài viết sau đây.
Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam Quy định xuất xứ hàng hóa trong AHKFTA EVFTA: Đối xử Quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa

Theo Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam của Bộ Công Thương, sản phẩm được coi là "Made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hoá của Việt Nam.

Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp.

Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

cach hieu va nhan dien hang hoa san xuat tai viet nam
Theo Dự thảo Thông tư, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng "Made in Vietnam"

Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên, để được xem là hàng "made in Vietnam", ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, thì hàng hoá này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

Theo Dự thảo Thông tư, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng "Made in Vietnam". Tuy nhiên, không ít tổ chức cá nhân sẽ thắc mắc rằng, như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Về vấn đề này, tại buổi trao đổi và cung cấp thông tin cho báo chí về Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam diễn ra chiều ngày 14/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - người chủ trì Dự thảo giải thích rằng, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp sau...

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Thông tư để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam. Họ có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của ..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại .. " hay "Sản xuất tại .." và tổ chức, cá nhân không được sử dụng các cách thể hiện khác, kiểu như "Lắp ráp tại Việt Nam", "Gia công tại Việt Nam" hay "Thiết kế bởi Việt Nam".

Đáng lưu ý, Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Do vậy, doanh nghiệp không được ghi nhãn sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam".

Một số thắc mắc khác đặt ra rằng, tại sao trong ASEAN hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ mà tại thông tư này chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam? Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Như Bộ Công Thương đã phổ biến thông tin, Dự thảo Thông tư quy định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ.

Có những ý kiến thắc mắc rằng, với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, có phải cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam? Theo đại diện Bộ Công Thương, việc này không nhất thiết. Bởi với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy chỉ được coi là hàng Việt Nam khi khâu sản xuất, chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam và khâu đó phải làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa, không phải là gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 10 của Dự thảo Thông tư. Do vậy, không nhất thiết cứ đạt hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% là được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Trường hợp đối với một mặt hàng cụ thể, nếu tiêu chí xác định "hàng hóa của Việt Nam" là VAC (ngưỡng tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng) 30% thì 30% là ngưỡng thấp nhất mà VAC của hàng hóa đó phải đạt được để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Tài sản trí tuệ, như ý tưởng, thiết kế, bằng phát minh, quyền sở hữu công nghiệp... nếu xác định được giá trị, có thể đưa vào "chi phí phân bổ trực tiếp" (nêu tại Điều 9, khoản 4, tiết C của Dự thảo Thông tư) để tính toán hàm lượng giá trị gia tăng. Tương tự là chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo mẫu, v.v...

Ngoài ra, việc thực hiện quy định của Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Với hàng hóa xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật giúp xác định xuất xứ, cả với thị trường mà ta đã có quan hệ thương mại tự do cũng như những thị trường mà ta chưa có quan hệ thương mại tự do. Hàng xuất khẩu sẽ thể hiện xuất xứ theo các quy định này.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của Thông tư, không có ngoại lệ.

Ngoài ra, theo quy định tại Dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi Thông tư này. Trường hợp phát hiện vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Việc đăng tải Dự thảo Thông tư là bước đầu tiên. Sau đó Bộ Công Thương sẽ tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu dự thảo và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định tại Dự thảo.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động