Tiền đề vững chắc đưa cá tra vào thị trường Mỹ

05/11/2019 11:44 Tăng trưởng xanh
Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn của Việt Nam đủ điều kiện tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) của nước này. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để phát triển thương mại cá tra trong thời gian tới.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chiều 1/11 (theo giờ Mỹ), Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes (cá da trơn/cá tra) xuất khẩu của 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ.

tien de vung chac dua ca tra vao thi truong my
Sản lượng xuất khẩu cá tra vào Mỹ đang giảm 41,5% trong 8 tháng năm 2019.

Theo Đạo luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill 2014) được cụ thể hóa bằng Chương trình thanh tra cá da trơn (bộ Siluriformes) của Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành tháng 3/2016 với 18 tháng chuyển tiếp, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017, để tiếp tục xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) vào Mỹ, Việt Nam phải xây dựng và tổ chức hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Mỹ về 3 nhóm tiêu chí. Thứ nhất là hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, ATTP. Thứ hai là năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền. Thứ ba là điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Hơn 3 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân về điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATTP trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cá tra vào Mỹ; thực hiện nhiều cuộc đàm phán, đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn Việt Nam. Nhờ đó, cuối cùng ngày 31/10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định, Mỹ là thị trường lớn, khó tính nhất về ATTP. Việc được Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát ATTP tương đương của Mỹ là điều kiện quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, việc đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Mỹ sẽ góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định của nước Mỹ là sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát ATTP chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam. Do vậy, muốn duy trì việc công nhận và mở rộng xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác, Việt Nam cần tiếp tục rà soát hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát ATTP trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 15 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam. Theo đó, cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được áp thuế 0%. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhận định, việc cơ quan quản lý thương mại của Mỹ công bố mức thuế CBPG 0% đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam lần này là tín hiệu khả quan đối với ngành nuôi cá tra Việt Nam.

Hiện nay, diện tích nuôi cá tra của Việt Nam khoảng 5.000 ha, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 1,8 tỉ USD và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Theo VASEP, tính đến hết tháng 8/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mai Hoa
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động