TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các Trạm trung chuyển, điểm tập kết rác
Các Tram trung chuyển rác đang là nỗi ám ảnh của người dân TP. Hồ Chí Minh vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao (hình minh họa) |
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các điểm tập kết về trạm trung chuyển và vận chuyển đến các khu liên hợp xử lý trên địa bàn do ba đơn vị cùng thực hiện, đó là: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện và Hợp tác xã Vận tải công nông.
Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện tại toàn Thành phố có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố (trong đó có 6 trạm trung chuyển đạt chuẩn về trạm ép rác kín, có hệ thống thu gom và xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 13 trạm đã cải tạo, nâng cấp nhà xưởng kín và lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi; 8 trạm trung chuyển đang hoạt động tạm theo nhu cầu quản lý trên địa bàn của quận, huyện).
Kết quả giám sát của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố về đánh giá chất lượng vệ sinh trên địa bàn 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác thu gom tại các điểm hẹn, vệ sinh điểm tập kết, vận hành trạm trung chuyển, quản lý rác dân lập tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Cụ thể, một số trạm trung chuyển rác nằm trong lòng khu dân cư, có đông người dân sinh sống đã trở thành “điểm đen” khiến người dân TP. Hồ Chí Minh ngán ngẫm như: Trạm trung chuyển ở phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức; trạm dưới chân cầu Chánh Hưng, quận 8; trạm trong khu dân cư Nam Hùng Vương, quận Bình Thạnh; trạm trên đường Tân Hóa, quận 11, trạm trung chuyển trên đường Đào Trí, quận 7... Ngoài ra còn nhiều điểm trung chuyển, tập kết khác ở quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, quận 12, kể cả các ở các quận trung tâm như quận 1, quận 3 cũng khiến nhiều người dân ám ảnh.
Các Trạm trung chuyển rác trong lòng khu dân cư đồng nghĩa với việc người dân hằng ngày phải đối chọi với ô nhiễm toàn diện về cả không khí lẫn nguồn nước. Đa số các Trạm trung chuyển này đều có hệ thống máy móc thô sơ, lạc hậu tại phần lớn các trạm trung chuyển đã làm chậm quá trình xử lý, khiến rác tồn đọng tạo mùi hôi thối nồng nặc và rò rỉ nước thải ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Đặc biệt nhất vào mùa mưa, khi rác ứ đọng nhiều gặp mưa xuống gây ngập úng trên diện rộng khiến rác thải trôi nổi khắp nơi. Nước bẩn từ trạm trung chuyển lại có thêm cơ hội phát tán nhanh chóng vào khu dân cư làm tiềm ẩn nguy cơ dịch, bệnh.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ người dân sống tại các trạm trung chuyển rác sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, mãn tính, đặc biệt nhất là bệnh về da liễu do ô nhiễm gây nên.
Nhiều địa phương vào cuộc kiểm soát vệ sinh tại các điểm tập kết rác
Việc kiểm soát vệ sinh tại các điểm tập kết rác là một việc làm hết sức cấp thiết (hình minh họa) |
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT) TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát hoạt động của những đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng, đầy đủ quy định, quy trình kỹ thuật để duy trì liên tục chất lượng vệ sinh môi trường và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước. Các đơn vị thực hiện các phương án bố trí thời gian thu gom rác tại nguồn và tập kết, vận chuyển tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển phù hợp để tránh ùn ứ rác, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Sở TN-MT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường xử lý các trường hợp, đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường không tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký kết, tiếp nhận thành phần chất thải không đúng quy định, chất thải từ tỉnh, thành khác vận chuyển về Thành phố.
Thực hiện yêu cầu của Sở TN-MT, CITENCO đã áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo vệ sinh môi trường, quá trình vận hành được kiểm soát nghiêm ngặt, không để phát tán mùi hôi ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Công ty cùng Phòng TN-MT TP. Thủ Đức triển khai thí điểm dán logo nhận diện các xe gom rác dân lập đổ về các trạm trung chuyển Hiệp Bình Chánh, Long Hòa, Long Trường thuộc TP. Thủ Đức; giúp quản lý lực lượng thu gom rác, điều phối khối lượng rác tại các trạm trung chuyển tốt và thuận lợi hơn, công suất xử lý tại các trạm trung chuyển được đảm bảo. Việc này cũng tránh được trường hợp các xe rác ở địa bàn khác đổ không đúng nơi quy định.
Đại diện Phòng TN-MT quận 3 cho hay, do biết các điểm trung chuyển, tập trung rác sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, quận đã thực hiện chuyển đổi lấy rác ban đêm thay vì ban ngày như trước, đồng thời trang bị xe ép rác hiện đại. Quận còn quán triệt lực lượng thu gom rác phải tập kết rác đúng giờ, không quá sớm, tăng cường vệ sinh các điểm lấy rác; giao các phường và Công ty TNHHMTV Dịch vụ công ích quận 3 tăng cường kiểm tra, nhắc nhở. Địa phương đã thành lập Hợp tác xã môi trường quận để nâng cao chất lượng thu gom rác trên địa bàn.
Quận 1 hiện đang tiến hành chia nhỏ lượng rác tại các điểm tập kết và di chuyển điểm tập kết liên tục nên phần nào đã hạn chế ảnh hưởng đến người dân.
Quận Gò Vấp đã chủ động chuyển các điểm trung chuyển rác đến gần các khu vực chợ truyền thống, xa khu dân cư; thời gian lấy rác nhanh, vệ sinh sạch sẽ nên đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quận 12 cũng đã chuyển điểm tập kết rác An Sương ở quốc lộ 1A (thuộc phường Tân Thới Nhất, quận 12) đã tồn tại hơn 30 năm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân về bãi rác Hiệp Thành, phường Hiệp Thành. Đồng thời, vận động các ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân dọn vệ sinh, tiến hành lát gạch và trồng cây xanh, đầu tư làm mới các bức tường và vẽ tranh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Trong thời gian đầu sau khi xóa bãi rác, phường Tân Thới Nhất tổ chức rào chắn, lắp camera, cử lực lượng chức năng trực, tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác tại đây. Đến thời điểm hiện nay, tình trạng vứt rác ở khu vực này không còn…
Theo nội dung định hướng quy hoạch vị trí Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận, Thành phố sẽ giảm dần các Trạm trung chuyển rác trong khu vực nội đô, tăng vị trí Trạm trung chuyển trên các tuyến vành đai của Thành phố./.
Trường Giang
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.