Triều cường còn diễn biến phức tạp ở Nam Bộ
Một phụ nữ tử vong vì lao xe xuống hồ do triều cường dâng cao Triều cường gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL TP. HCM: Vỡ bờ kè tại quận 8, huy động gần 200 người ứng cứu |
Nhiều lần vượt mức kỷ lục
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, so với các khu vực ven biển khác trong cả nước, ven biển Nam Bộ ít bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai trên biển như bão và áp thấp nhiệt đới.
Nhưng với đặc thù là vùng đồng bằng thấp, lại có hệ thống cửa sông lớn, nên khu vực này thường xuyên bị nước biển lấn sâu vào trong nội địa khi có triều cường. Hiện tượng này ngày càng xảy ra mạnh hơn khi lưu lượng nước từ thượng nguồn hệ thống sông Mê Kông đổ về hạ lưu ngày một giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) bị ngập sâu, người dân vất vả khi di chuyển. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN |
Hiện tượng nước biển lấn sâu vào nội địa phụ thuộc vào chế độ thủy triều ở khu vực cửa sông ven biển và nước dâng do gió, áp thấp nhiệt đới và bão. Đối với khu vực ven biển Nam Bộ, hiện tượng ngập khi triều cường thường xuyên xảy ra vào một số ngày của các tháng cuối và đầu của năm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau).
Đây là thời gian tập trung nhiều nhân tố kết hợp như biên độ thủy triều lớn, gió mùa mạnh và có thể có hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nên gây ra triều cường kết hợp nước biển dâng cao.
Bên cạnh đó, mức độ ngập úng trong các đợt triều cường còn phụ thuộc vào mưa, lũ trong đất liền, khả năng thoát úng của cơ sở hạ tầng và mức độ sụt lún của bề mặt đất. Thực tế cho thấy có nhiều đợt xảy ra ngập úng nghiêm trọng mặc dù triều cường không phải quá cao như đợt triều cường vào đầu tháng 10 năm 2018.
Những năm gần đây, nhiều kỷ lục về độ cao mực nước bị phá vỡ. Đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019 với mực nước quan trắc được tại trạm hải văn Vũng Tàu thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 12/1999 chỉ 1cm (4,35m năm 2019 so với 4,36m năm 1999), tuy vậy lại tạo nên kỷ lục độ cao mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (1,77m năm 2019 so với 1,44m năm 1999).
Thống kê cho thấy các đợt triều cường cao tại ven biển Nam Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 10 giai đoạn 1999-2019; có đợt triều cường cao xuất hiện sớm nhất vào ngày 9/10 năm 2010. Như vậy, đợt triều cường những ngày đầu tháng 10/2019 gây ngập lụt cho khu vực Nam Bộ, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ xuất hiện sớm hơn quy luật hàng năm.
Chủ động ứng phó
Ông Mai Văn Khiêm dự báo, những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 8 đợt triều cường, vào khoảng ngày 15-18 và 26-31 của tháng 10; ngày 13-16 và 25-30 của tháng 11; ngày 12-16 và 25-28 của tháng 12/2019. Đầu năm 2020, triều cường sẽ diễn ra vào khoảng ngày 11-14/1 và ngày 10-14/2.
Nhiều khả năng hai đợt triều cường vào giai đoạn 26-31/10/2019 và 25-30/11/2019 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía Nam. Đỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối, gây ngập úng và tác động không nhỏ đến giao thông trong giờ cao điểm.
Triều cường làm ngập tuyến Quốc lộ 91 đoạn đi qua phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Triều cường sẽ gây ra tình trạng ngập úng, gia tăng nguy cơ vỡ đê bao và làm chậm thoát lũ trên sông, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, chính quyền địa phương cũng như người dân phải chủ động trong công tác ứng phó. Chính quyền địa phương cần tiếp nhận các thông tin cảnh báo, dự báo sớm về triều cường và khu vực, thời gian và mức độ ngập; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về triều cường và tác động của triều cường tại khu vực; chủ động lên phương án bảo vệ các tuyến đê bao xung yếu, cảnh báo các khu vực có nguy cơ ngập úng cao, đảm bảo hệ thống thoát nước nhanh, phân luồng giao thông tại những khu vực ngập úng đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa rủi ro đối với tính mạng và tài sản của người dân, nên cần chủ động theo dõi những thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là về thời gian và khu vực ngập để điều chỉnh kế hoạch tham gia giao thông và có phương án bảo vệ tài sản.
Thực tiễn cho thấy, việc thi công những công trình lớn chống ngập do triều cường tại TP. Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả thực tế. Việc đắp đê ngăn triều chỉ mang tính chất cục bộ vì hệ thống kênh rạch tại TP. Hồ Chí Minh chằng chịt, nếu xây đê, cống đập chặn chỗ này thì nước triều sẽ tràn vào chỗ khác. Vì vậy, cần có các giải pháp và công trình đồng bộ mới giải quyết được vấn đề ngập do triều cường.
Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, chiến lược tích hợp sẽ nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó với ngập lụt.
Chiến lược bao gồm các giải pháp công trình và phi công trình như xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước mưa, đê bao, cống ngăn triều, trạm bơm nước mưa, hồ chứa nước mưa; xây dựng và triển khai chế độ vận hành liên hồ chứa, nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm hạn chế rác thải vào cống thoát nước mưa, kênh rạch…
Học tập kinh nghiệm chống ngập của một số quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học cho rằng cần quy hoạch để xây dựng các khu đô thị vệ tinh ở trên cao, ít ngập nước, hướng về các huyện phía Tây Bắc, Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh và những khu vực giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Cơ quan chức năng cần hạn chế tối đa quá trình đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Tây, Tây Nam của thành phố, tích cực quy hoạch, xây dựng những hồ điều tiết nước tự nhiên tại chỗ và ở khu vực gần nội đô để chứa nước khi nước triều dâng cao.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã xác định các nhiệm vụ cấp bách là cần tiếp tục cập nhật, cụ thể hóa "Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng" của cả nước và đến từng vùng, miền, địa phương; lựa chọn các hạng mục, giải pháp ưu tiên để lồng ghép triển khai thực hiện; khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung các giải pháp dần hình thành hệ thống chống ngập đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp chống ngập cho vùng lõi thành phố Cần Thơ; đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, hỗ trợ di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, lũ quét và các nguy cơ thiên tai khác.
Tin mới
Khảo sát của Herbalife tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 9 trên 10 người Việt cho rằng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để hỗ trợ sức k
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.