Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tạo điều kiện thu hút đầu tư
Theo số liệu từ Sở Công thương, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án.
Các dự án công nghiệp phụ trợ hiện cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư đổ về Tuyên Quang. Hiện, toàn tỉnh có 18 dự án, trong đó lĩnh vực cơ khí có 3 dự án, trong đó 1 dự án đã hoạt động sản xuất; 2 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư là Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí, Nhà máy sản xuất, chế tạo các cấu kiện kim loại, sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới, máy công trình, công suất kết cấu thép.
Về công nghiệp phụ trợ khác có 15 dự án, trong đó lắp ráp linh kiện điện tử có 2 dự án là Nhà máy sản xuất, gia công thiết bị tai nghe FUTURE OF SOUND VINA; Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử K-Electronic II hiện đang trong quá trình đầu tư dự án. Ngoài ra là các nhà máy sản xuất bao bì, vải bạt...
Số lượng các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 16,6% so với năm 2021, trong đó, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ chiếm 86,3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công thương, Tuyên Quang đang có dư địa rất lớn để thu hút và phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Như nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và hạ tầng giao thông, công nghiệp đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành Công thương tiếp tục duy trì quy mô, công suất các dự án sản xuất chế biến, đặc biệt triển khai nhanh và có chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
rong năm 2023, Sở Công thương tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào sản xuất theo đúng thời gian đăng ký đối với các dự án sản xuất công nghiệp chế biến đã có chủ trương đầu tư, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm như: mở rộng Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, mở rộng Nhà máy gang thép Tuyên Quang, Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang... Kiên quyết xử lý đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai, không thực hiện đúng quy định.
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao gắn với liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh lân cận.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất, và để công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công thương tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh thân thiện với môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử.
Phấn đấu trở thành vệ tinh trong chuỗi liên kết các ngành công nghiệp hỗ trợ
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 325/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm môi trường, sinh thái. Xây dựng Tuyên Quang là tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Về mục tiêu kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; ngành dịch vụ chiếm 40,8%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miên núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh, xanh và bền vững. Di tích, di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo định hướng, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hình thành bốn cực tăng trưởng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.
Cụ thể, về công nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển Tuyên Quang trở thành vệ tinh của vùng về chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô; phát triển công nghiệp chế tạo công nghệ cao tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, dệt may, da giày, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ tập trung tại huyện Sơn Dương; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, gỗ, lâm sản tại huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa; phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo tại các khu vực có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.