Vĩnh Phúc: Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

14/10/2024 09:27 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Những năm qua, Vĩnh Phúc từng bước khẳng định vị thế của một tỉnh có nền công nghiệp hiện đại. Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh, địa phương đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và coi đây là giải pháp quan trọng để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Ưu tiên nguồn vốn

Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Tiến - chi nhánh Vĩnh Phúc đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) Đồng Sóc (Vĩnh Tường) từ năm 2020, kỳ vọng phát triển nhanh với các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuyên gia công kim loại tấm, sản xuất thang máng cấp… phục vụ các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các KCN.

Được tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, công ty đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 100 tỷ đồng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, tạo dựng niềm tin với các khách hàng tiềm năng.

Vĩnh Phúc: Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Để đảm bảo tính bền vững trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Sau 4 năm hoạt động, công ty đã đạt những kết quả kinh doanh ấn tượng, diện tích nhà xưởng tăng gấp đôi, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, đến nay, tỉnh đã thu hút được 473 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 841 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư hơn 142,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có cả DN đầu tàu các ngành công nghệ chế biến, chế tạo như Honda, Toyota…

Đây là một lợi thế lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu các DN được hỗ trợ đáp ứng các nguồn lực sẽ nhanh chóng phát triển, trở thành mắt xích quan trọng, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, hiện nay đa phần các DN hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ tham gia chủ yếu vào khâu gia công, DN vệ tinh sản xuất nguyên liệu đầu vào còn rất thiếu dẫn đến hệ thống DN hỗ trợ còn kém phát triển.

Đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn hẹp, thời gian quay vòng vốn dài, dẫn đến tình trạng khó tiếp cận vốn vay, nhất là với các dòng vốn có lãi suất ưu đãi. Trong khi công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính của địa phương.

Theo Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Vĩnh Phúc - Nguyễn Trung Kiên thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng DN hỗ trợ khó tiếp cận vốn vay là do chưa đáp ứng đủ điều kiện cho vay tín chấp, chỉ số tín nhiệm về tài chính chưa cao, báo cáo tài chính còn thiếu sự minh bạch, gây khó khăn cho hoạt động thẩm định của ngân hàng.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển hơn nữa, tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng những chiến lược đầu tư cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ thông qua các quỹ đầu tư phát triển, tạo nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho các DN vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Một trong các giải pháp quan trọng và thiết thực nhằm thúc đẩy các DN hỗ trợ phát triển và việc ưu tiên nguồn vốn được xem nhưng là một giải pháp hàng đầu.

Cần tạo “cú hích” đột phá

Theo thống kê của Sở Công Thương Vĩnh Phúc, đến nay, cả tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ; trên 70 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn lớn; 4 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy hoàn chỉnh là Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Deawoo Bus, Công ty Piaggio Việt Nam - đây là các doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, chế tạo nói chung và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nói riêng phát triển. Riêng với ngành điện tử, số lượng doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các công ty đầu chuỗi như Samsung, LG, Panasonic… tăng nhanh, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực điện tử.

Vĩnh Phúc: Chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Thời gian qua Vĩnh Phúc đã ban hành tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, thời gian qua Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 23 của UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh; Quyết định số 3663 về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số tiền hỗ trợ trên 94,7 tỷ đồng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, cả tỉnh có trên 50 doanh nghiệp lĩnh vực linh kiện phụ tùng đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu; 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Phúc sẽ phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu bảo đảm các điều kiện về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu, trong đó, có nhiệm vụ là đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm ô tô cao cấp, mô tô và sản xuất các linh liện, phụ tùng phục vụ trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo phục vụ công nghiệp, nông nghiệp.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đúng định hướng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quản lý Nhà nước của các cơ quan và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp giới thiệu, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyện liệu và vật liệu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo “cú hích” mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 115/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường các hoạt động liên kết, tăng năng lực cho các doanh nghiệp nội đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tham gia Hợp phần 3 dự án Link SME thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ. Phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động