Vĩnh Phúc: Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

12/08/2024 10:22 Kinh tế, xã hội
7 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng 4,29% so với cùng kỳ, trong khi đó, chỉ số tồn kho giảm mạnh là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh
Là ngành ưu tiên trong thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Là ngành ưu tiên trong thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập... giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và nhận được nhiều đơn hàng mới.

Hiện, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng các ngành điện tử, ô tô, xe máy cho các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với vai trò là nhà cung ứng cấp 1, xếp thứ 4 toàn quốc.

Cùng với đó, 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 49/52 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt 383 triệu USD, chiếm hơn 80% tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, phương hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã hình thành, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, ô tô - xe máy…

Thực tế trong những năm trở lại đây, giá trị công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc được đóng góp chủ yếu từ các nhóm ngành: Cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị điện với tỷ trọng duy trì chiếm từ 86 - 90% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động