Vĩnh Phúc chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp

20/11/2023 08:55 Quản lý nguồn thải
Với 9 khu công nghiệp (KCN) và 16 cụm công nghiệp (CCN) đã thành lập, giao chủ đầu tư cùng gần 80 làng nghề và làng có nghề, lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có xu hướng tăng lên nhanh chóng, do đó công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong lĩnh vực công nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được địa phương chú trọng hàng đầu.

Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hơn 130 nghìn lao động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các KCN, CCN đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đòi hỏi các KCN, CCN phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải quy chuẩn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về BVMT trong các KCN.

Vĩnh Phúc chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp
Công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng hàng đầu.

Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, tổng lượng nước thải KCN phát sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng gần 22 nghìn m3/ngày đêm; tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khoảng 6,3 triệu tấn, chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh hơn 52 nghìn tấn...

Về cơ bản, các chỉ tiêu về chất lượng môi trường tại các KCN, CCN đều ở ngưỡng cho phép; lượng chất thải này được các đơn vị ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để vận chuyển, thu gom xử lý theo quy định.

Với quan điểm “không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, ngay từ khi bắt đầu thành lập các KCN, CCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển công nghiệp phải đi đôi với BVMT, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các KCN, CCN hiện đại và đồng bộ, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác BVMT trong lĩnh vực này.

Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Song song với việc đôn đốc, giám sát chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, đầu tư, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT, trồng cây xanh trong KCN; thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh luôn quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, nhằm nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng KCN. Bên cạnh đó, Ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp (DN) thực hiện công tác BVMT, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường trong KCN, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong KCN. Nhìn chung, các nhà đầu tư, DN trong các KCN chấp hành nghiêm quy định phát luật về môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về BVMT...”.

Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017, với tổng diện tích hơn 213 ha, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… nhằm tạo ra không gian "xanh, sạch, đẹp" trong các doanh nghiệp, nhà xưởng. Chủ đầu tư đã dành hơn 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Việc trồng, chăm sóc cây xanh trong KCN đã và đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi đơn vị, mỗi người lao động. Với sự đầu tư bài bản, đồng bộ cùng không gian xanh giúp điều hòa, cân bằng sinh thái, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tiếp tục được lấp đầy bởi các nhà đầu tư và kỳ vọng trở thành một KCN kiểu mẫu với môi trường làm việc thân thiện.

Cùng với KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Khai Quang cũng được đầu tư đồng bộ hệ thống cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rãnh thoát nước mưa… Bên cạnh mục tiêu sản xuất kinh doanh, tiêu chí môi trường công nghiệp luôn được các doanh nghiệp trong KCN Khai Quang đặt lên hàng đầu, nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho người lao động.

Vĩnh Phúc chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công nghiệp
Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đóng đô trên địa bàn 3 xã, thị trấn Thiện Kế, Bá Hiến và Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, KCN Bá Thiện II rộng hơn 308 ha được thiết kế hệ thống thông tin liên lạc, cây xanh, hệ thống chiếu sáng... khá bài bản. Toàn bộ nước thải sản xuất trong KCN được thu gom, xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý 10.000 m3/ngày đêm; đường giao thông nội khu được xây dựng từ 2-6 làn xe, chiều rộng từ 19,5-39m với mặt đường bê tông chịu lực, đảm bảo tốt nhu cầu lưu thông lớn, đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh và cảnh quan môi trường của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp tại các địa phương với nhiều cơ sở, DN mới, công tác BVMT nói chung, quản lý việc xử lý chất thải nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một mặt, tại các KCN, CCN, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại mới chỉ được thực hiện tại các DN có lượng phát sinh lớn, đối với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ yếu nguồn thải phát sinh số lượng nhỏ vẫn chưa chấp hành nghiêm túc. Cùng với đó, phần lớn các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đều nằm trong khu dân cư với quy mô nhỏ, không có các hệ thống thu gom, xử lý chất thải đáp ứng được yêu cầu sản xuất đã đặt ra những khó khăn cho công tác BVMT.

Thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các KCN, CCN và để đảm bảo môi trường phát triển bền vững trong các KCN, Vĩnh Phúc sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức BVMT cho các DN, chủ đầu tư hạ tầng KCN, các làng nghề, cụm công nghiệp; đồng thời ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, không gây ô nhiêm môi trường; kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Đồng thời, để tăng khả năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tỉnh sẽ luôn coi việc kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường và được duy trì thực hiện thường xuyên.

Trên cơ sở "lấy phòng ngừa là chính", trong thời gian tới, lực lượng chức năng về môi trường tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, xử lý chất thải đối với các DN trong các KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với các vi phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo định hướng của tỉnh Vĩnh Phúc trong phát triển các công nghiệp phải đi đôi với công tác BVMT nhằm tạo ra một môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững...

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động