Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu là tỉnh công nghiệp phát triển

07/06/2023 06:59 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Với mục tiêu hướng tới là tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng; tích cực tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng sức hút đầu tư và tạo thêm việc làm cho người lao động nhằm ổn định an sinh xã hội...

Ông Nguyễn Xuân Phương - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ đến tìm hiểu chính sách đầu tư và thủ tục đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tiếp, làm việc với Chủ tịch tập đoàn Sunny Group Co.,Ltd đến nghiên cứu mở rộng Nhà máy Sunny Automotive Vina tại Bình Xuyên II.

Các nhà đầu tư đã dự hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc như: Tọa đàm trực tuyến với Doanh nghiệp tỉnh Aichi; Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản tại Vĩnh Phúc năm 2023.

Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu là tỉnh công nghiệp phát triển
Trưởng Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Phương trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc 100% vốn đầu tư Nhật Bản, tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.

Trong tháng 4/2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp GCNĐKĐT mới cho 4 dự án. Trong đó, 2 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 41,7 triệu USD; 2 dự án trong nước với vốn đầu tư đăng ký 1.609 tỷ đồng; Cấp GCNĐKĐT điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 42,31 triệu USD.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 4/2023 là 84,01 triệu USD và 1.609 tỷ đồng.

Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 8 dự án FDI mới và 14 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 258,81 triệu USD (cấp mới: 106,91 triệu USD; tăng vốn: 151,9 triệu USD), đạt 132% so với cùng kỳ năm 2022 và 74% kế hoạch năm 2023; thu hút 2 dự án trong nước và 1 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 2.588,1 tỷ đồng (cấp mới: 1.609 tỷ đồng; tăng vốn: 979,1 tỷ đồng), đạt 1.356% so với cùng kỳ năm 2022 và 86% so với kế hoạch năm 2023.

Đến ngày 15/4/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 454 dự án, gồm 99 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 29.296,01 tỷ đồng và 355 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.070,27 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn, đơn vị thi công các Khu công nghiệp Bình Xuyên cho biết, từ những tháng cuối năm 2022 đến nay, giá vật liệu sắt thép liên tục tăng từ 17.000 - 21.000 đồng/kg; Giá các nguyên vật liệu xi măng, gạch, cát xây dựng, đá dăm, gạch ốp lát, đất nền… cũng tăng mạnh từ 5 - 10%.

Trong khi đó, nguyên vật liệu thép chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành xây dựng, chiếm khoảng 20% giá trị nên công ty gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, hầu hết các hợp đồng thi công xây lắp của công ty với các chủ đầu tư được ký theo hình thức trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định nên việc điều chỉnh giá gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vừa qua, chi nhánh Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Vĩnh Phúc đã được xác nhận thông tin để thực hiện thủ tục đăng ký danh mục hàng hóa miễn thuế tại Hải Quan Vĩnh Phúc.

Ban cũng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cung cấp thông tin, làm rõ mục tiêu dự án được cấp GCNĐKĐT của Công ty TNHH GSR Vina; Tham gia góp ý kiến hồ sơ đề nghị cấp GCNĐKĐT Dự án của Công ty TNHH HJC Vina tại CCN Đồng Sóc.

Cùng với đó, ban cũng đã phối hợp, xin ý kiến Cục Thuế tỉnh đối với hồ sơ đề nghị điều chỉnh GCNĐKĐT “Dự án Sản xuất và Gia công linh kiện Woori&Tech” tại KCN Bình Xuyên; Phối hợp, xin ý kiến chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ trong thẩm định hồ sơ đề nghị thực hiện các dự án đầu tư “Nhà máy sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông Long Đạt Phát Group” tại KCN Thái Hòa - Liên Sơn - Liên Hòa; Dự án “Nhà máy sản xuất đồ uống dinh dưỡng và đồ uống giải khát tiệt trùng”, “Dự án Công ty TNHH Polaris Việt Nam” và dự án “Nhà máy LYNWAVE Việt Nam” tại KCN Bá Thiện II.

Ban cũng phối hợp, xin ý kiến Hải quan Vĩnh Phúc xác nhận đề nghị chuyển đổi từ “thực hiện sản xuất tại kho/xưởng thuê” thành “kho lưu giữ hàng hóa” của Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam tại KCN Bá Thiện II; Xác định nhóm công trình phục vụ đề nghị cấp phép xây dựng về phòng cháy chữa cháy đối với dự án CNCTech Diamond của Công ty CP giải pháp công nghệ CNC; Tham gia ý kiến vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án nhà máy mới Kanefusa Việt Nam tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc; Phối hợp Công an tỉnh tham gia ý kiến về phòng cháy chữa cháy đối với điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, điện gia dụng của Công ty TNHH cơ khí Nanchuang tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.

Ban cũng đã định hướng thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới vẫn là ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; Phù hợp với quy hoạch phát triển và định hướng chung của quốc gia, khu vực và của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.

Trong đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, xe máy và điện tử, phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đều có ý thức chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch trong sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án sản xuất, áp dụng biện pháp cắt ghép dây chuyền sản xuất, tổ chức làm thêm giờ, tăng ca... để bảo đảm các hợp đồng đã ký với khách hàng.

Từ cuối quý II/2022, khi dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có sự khởi sắc, một số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn mới được thành lập từ năm 2021 bắt đầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; Một số dự án tăng quy mô sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý, đơn hàng ổn định, vận hành tối ưu công xuất nhà máy, hoạt động hiệu quả… từ đó, góp phần nâng tổng chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nộp NSNN của các dự án trong KCN năm 2022 tăng 10-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ bản, các doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, duy trì sản xuất bình thường, góp phần giữ vững sự ổn định và tăng trưởng của các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nộp NSNN của các dự án trong KCN trong năm 2022.

Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu là tỉnh công nghiệp phát triển
Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong một hội nghị xúc tiến thương mại.

Một số lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt so với năm 2021 là điện tử, cơ khí chính xác cho ngành ô tô, xe máy. Tiêu biểu như: Dự án của Công ty Piaggio có doanh thu, xuất khẩu tăng trên 20%; Công ty BH Flex Vina (sản xuất linh kiện điện tử) với các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, tăng 40-45%; Công ty VPIC (sản xuất phụ tùng ô tô xe máy) doanh thu tăng 20%…

Đến nay các doanh nghiệp KCN đã tạo việc làm cho trên 126 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội và nguồn thu ngân sách

Ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với kết quả tăng trưởng GDP 9,54%, tỉnh nằm trong top các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước. Điều quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng này được duy trì trong nhiều năm, thậm chí suốt cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất.

"Mức 9,54% chưa hẳn là cao nhất, tuy nhiên, quan sát tăng trưởng qua các năm của Vĩnh Phúc khá ổn định. Quan điểm điều hành của Vĩnh Phúc là coi trọng việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nếu nền kinh tế trồi - sụt sẽ tác động bất lợi tới các hoạt động kinh tế cũng như đời sống người dân…", ông Thành nói.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, để duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững, trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường triển khai, rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực; Khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN…

Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 5, chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12 toàn quốc… Vĩnh Phúc cũng một trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022…

Thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm tỉnh đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ (từ 2 đến 2,5 tỷ USD); Giải quyết việc làm ổn định, lương và thưởng công nhân ở mức cao cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính trong 2 năm 2021 - 2022, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Vĩnh Phúc đạt trên 1,6 tỷ USD, bằng 80% mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 (2 tỷ USD).

Đây là tín hiệu cho thấy Vĩnh Phúc là môi trường đầu tư tin cậy, lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất. Các dự án thu hút chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 458,23 triệu USD cho 66 dự án, trong đó ngành mũi nhọn là sản xuất linh kiện điện tử với 173,06 triệu USD cho 50 dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phân tích, tỉnh đón nhận một cách có chọn lọc các dòng vốn FDI chất lượng. Trong năm 2023, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong năm học 2021 - 2022, ngân sách tỉnh đầu tư 208,7 tỷ đồng trang bị thiết bị dạy học cho các trường.

Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm và duy trì, các trường chuyên nghiệp và đào tạo nghề đã tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo…

Mới đây, Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore bàn về hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Singapore trong nhiều lĩnh vực du lịch, giáo dục, công nghiệp với sự tham gia của 160 doanh nghiệp gồm các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tập đoàn tài chính hàng đầu Singapore.

Trong thời gian 5 ngày, từ 27-31/3, Đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ nhằm tăng cường thu hút đầu tư từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào các lĩnh vực tỉnh ưu tiên, khuyến khích đầu tư.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, vốn đầu tư FDI toàn cầu cũng như trong nước có dấu hiệu trầm lắng,

Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành cho hay, tỉnh vẫn đang có các bước đi mang tính nền tảng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội, nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận "làn sóng" đầu tư chất lượng cho tương lai.

Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào địa phương này vì nguồn lực tại chỗ cũng như cơ sở vật chất tại địa phương, ngoài lĩnh vực chế biến chế tạo, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ…

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, tỉnh xác định tiếp tục giữ vững tăng trưởng cao đối với các chỉ tiêu về tăng trưởng KT-XH với các giải pháp đồng bộ, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra.

Theo đó, Vĩnh Phúc tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT - XH theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; bám sát tình hình trong và ngoài nước để kịp thời điều hành dự toán ngân sách tỉnh cho phù hợp với năm 2023.

Nhận định hoạt động đầu tư tiếp tục đóng vai trò là nhân tố chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Để bảo đảm mục tiêu thu hút vốn FDI và đầu tư trực tiếp nội địa (DDI), Vĩnh Phúc sẽ triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư.

Đông Hải

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động