Vĩnh Phúc phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng ở Vĩnh Phúc có nhiều đột phá, thay đổi về tư duy, cách làm. Nguồn lực đầu tư được tập trung cho các công trình thuộc hạ tầng khung đô thị, phúc lợi xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Nhờ đó, cơ sở hạ tầng của Vĩnh Phúc từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I trong tương lai. Đặc biệt, xây dựng đô thị thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, vì vậy phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực.
Mô hình phát triển đô thị thông minh Vĩnh Phúc sẽ được xây dựng gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh. |
Mô hình phát triển đô thị thông minh Vĩnh Phúc sẽ được xây dựng gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu trên nền tảng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác.
Trong đó, đô thị thông mình gồm 5 lớp được triển khai đồng thời như: Hệ sinh thái tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian đô thị, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ.
Cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn tỉnh nói chung, các đô thị nói riêng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng và khu vực. Phạm vi triển khai Đề án Xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc ở toàn tỉnh, trong đó mỗi khu vực đều có giải pháp đặc thù phát triển riêng biệt.
Dự thảo Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 được đưa ra lấy ý kiến phản biện mới đây sẽ tạo tiền đề cho sự đổi mới về quan điểm phát triển đô thị tại địa phương, từ đó huy động các nguồn lực xã hội cùng các thành tựu về công nghệ để giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn, tiến tới phát triển xanh, bền vững.
Hội đồng tư vấn phản biện đề nghị đơn vị xây dựng Đề án cần tập trung làm rõ hơn về khái niệm đô thị thông minh; tích hợp nhiều hợp phần để tránh phải đầu tư dàn trải, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội; tránh trùng lặp đề án, trong khi Vĩnh Phúc đã có Đề án Chuyển đổi số; đầu tư kỹ càng hạ tầng thông tin; quy hoạch thông minh ngay từ đầu phù hợp với quy chuẩn theo định hướng chung. Xây dựng thêm đề án phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong đô thị thông minh.
Hoàn thiện các thành phần trong kiến trúc ICT về phát triển đô thị thông minh. Xác định rõ nội dung, hạng mục đầu tư; bố trí và thu hút nguồn lực, thực hiện các lộ trình để xây dựng thành công chính quyền điện tử, đổi mới tư duy và phương thức phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Xây dựng lộ trình triển khai thích hợp trong từng giai đoạn; ưu tiên triển khai dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực trọng điểm của địa phương; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh mạng để triển khai đô thị thông minh thành công và bền vững…
Để từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, công tác lập quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ.
Tháng 10/2011, đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích tự nhiên khoảng 318,60km2; quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 1 triệu dân.
Đây là một đồ án lớn, có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển đô thị nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung; là cơ sở định hướng phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với phát triển quy hoạch vùng Thủ đô.
Từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đồ án quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tại Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 03/8/2012, gồm 15 phân khu.
Đến nay, Quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã dự thảo xong các phương án quy hoạch mạng lưới không gian các ngành, lĩnh vực và quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng hoàn thành việc thi tuyển phương án kiến trúc 3 công trình Đài PT-TH tỉnh; Thư viện tỉnh, Trung tâm Triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến điều chỉnh 3 đồ án quy hoạch vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo; điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 A1.
Triển khai lập 3 đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV (Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Tam Đảo); quy hoạch chung đô thị Liên Châu; 3 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 về phát triển du lịch, dịch vụ gồm khu vực xung quanh hồ Vân Trục (Lập Thạch), hồ Bò Lạc (Sông Lô) và hồ Đồng Nhập, hồ Làng Hà (Tam Đảo).
Phê duyệt điều chỉnh cục bộ lần 3 quy hoạch phân khu A5 tỷ lệ 1/2000 phát triển đô thị trung tâm tại thành phố Vĩnh Yên và một phần của huyện Bình Xuyên và Tam Dương; quy hoạch phân khu A4 tỷ lệ 1/2000 về phát triển khu đô thị trung tâm tại thành phố Vĩnh Yên và một phần của huyện Bình Xuyên và Yên Lạc.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 kiến trúc cảnh quan trục không gian Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Đức Bác; các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị khu vực dân cư hiện hữu và các khu vực hai bên các tuyến đường chính trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc.
Tỉnh đang tiếp tục thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư 18 dự án khu đô thị, khu nhà ở. Đã có 3 dự án được ký hợp đồng; 2 dự án đang trình thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư; 2 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, đang tổ chức lập và trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; 1 dự án đang trình thẩm định kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
Chủ động kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở. Đôn đốc các chủ đầu tư khu đô thị, khu nhà ở đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường. Tăng cường kiểm tra và đăng tải công khai các thông tin của Sàn giao dịch bất động sản.
Hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, nâng cấp. Đến nay, đã thực hiện đầu tư 3 tuyến đường vành đai, 10 tuyến đường hướng tâm, trục xuyên tâm; 4 đường nội thị chính. Hạ tầng cấp nước khu vực đô thị được được quan tâm đầu tư, trên địa bàn hiện có 13 nhà máy cấp nước với tổng công suất cấp nước cho các đô thị là 115.000 m3/ngày đêm, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đô thị cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 90%. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều được cấp nước đến chân hàng rào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất.
Hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đang từng bước được đầu tư xây dựng. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định. Dự án Thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Vĩnh Yên với công suất 5.000m3/ngày đêm góp phần xử lý một phần lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố...
Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững, thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, cùng với đó là đẩy mạnh chỉnh trang đô thị. Huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO