Vĩnh Phúc phát triển mở rộng lĩnh vực công nghiệp theo lộ trình quy hoạch
Theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án hạ tầng KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã có chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 3.162 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp, dịch vụ theo đồ án quy hoạch được duyệt hơn 2.448 ha và đất công nghiệp, dịch vụ đã cho thuê (bao gồm đất dịch vụ của chủ đầu tư KCN sử dụng làm trụ sở điều hành và đất dịch vụ, công nghiệp cho nhà đầu tư thứ cấp thuê) hơn 1.052 ha.
Trong 17 dự án hạ tầng KCN triển khai trên địa bàn, đến nay mới có 3 KCN đã bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) xong, gồm KCN Kim Hoa, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên II - giai đoạn 1; cùng với KCN Sông Lô II, hiện vẫn còn 13 KCN đang thực hiện BT-GPMB...
Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Tại huyện Bình Xuyên – địa phương được xác định là cực tăng trưởng phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ KCN, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối các KCN và cụm công nghiệp; vận động nhân dân dành 2.000 ha đất phục vụ sản xuất công nghiệp.
Đến nay, Bình Xuyên đã có 7 KCN, 2 CCN đi vào hoạt động, thu hút 336 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 5,4 tỷ USD; 76 dự án DDI với tổng vốn đăng ký gần 9.000 tỷ đồng.
Nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện có sự phát triển lớn mạnh, khẳng định được vị thế như Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty cổ phần tập đoàn sản xuất thép Việt Đức, Tập đoàn Prime Group.
Bình Xuyên cũng là mảnh đất vàng thu hút các dự án lớn của tỉnh như Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc liên doanh giữa tập đoàn T&T và tập đoàn YCH Singapore; dự án sản xuất và lắp ráp dòng xe máy phân khối lớn Indian Motocycle của tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ)...
Còn tại huyện Sông Lô, dự án KCN Sông Lô II do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 6/2023 với tổng diện tích quy hoạch hơn 165 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Thịnh và Yên Thạch, có tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.
Với mục tiêu xây dựng KCN kiểu mẫu, hiện đại, ngay sau khi được huyện Sông Lô bàn giao mặt bằng đợt I, với tổng diện tích 152,76ha, tương đương 93% tổng diện tích theo quy hoạch, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã huy động nhân công, phương tiện triển khai thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và dự kiến đến tháng 9/2024, KCN này sẽ có 20 ha đất sạch, có hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc có 24 KCN với tổng diện tích là 4.815 ha, sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha, trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Để đạt mục tiêu đề ra và tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện có, các ngành chức năng Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã và đang tập trung tham mưu về định hướng cụ thể, số lượng, nhóm ngành ưu tiên phát triển tại các KCN; đôn đốc nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ BT-GPMB, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng đối với các KCN mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/quyết định thành lập; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện đúng tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng, kết cấu hạ tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng, quy định về môi trường.
Lắp ráp ô tô tại Công ty Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc. |
Theo kế hoạch dự kiến, việc phát triển công nghiệp thời gian tới tại Vĩnh Phúc sẽ được chia thành 2 vùng, trong đó, vùng công nghiệp động lực tại thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và trục đường Vành đai 4 của tỉnh, phát triển mạnh về công nghiệp điện tử và vùng công nghiệp phụ trợ tại các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trục đường Vành đai 4 của tỉnh và đường tỉnh 310, phát triển mạnh về công nghiệp chế biến trong nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và BT-GPMB, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN đã hình thành gồm Khai Quang, Bá Thiện II, Bá Thiện, Sơn Lôi, Bình Xuyên, Tam Dương II - khu A, thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích các KCN này.
Tập trung nguồn lực vào công tác BT-GPMB và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN Sông Lô I, Sông Lô II, Nam Bình Xuyên, Bình Xuyên II - giai đoạn 2, Tam Dương I - khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực 2 - giai đoạn 1), Đồng Sóc, Phúc Yên, Bá Thiện (phân khu I và II), thu hút đầu tư lấp đầy khoảng 40% diện tích các KCN này và dự kiến thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4-8 KCN đến hết năm 2025.
Giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập quy hoạch phân khu xây dựng, kêu gọi thu hút đầu tư các KCN Đồng Sóc - Yên Lạc, Yên Lạc, Sông Lô III và dự kiến các KCN có tiềm năng, thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Đối với các CCN, đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển mới 31 CCN, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm. Đến năm 2050, toàn tỉnh có 51 CCN.
Các CCN quy hoạch mới là: CCN Kim Xá 30ha, CCN Đại Đồng 75ha, CCN làng nghề Yên Phương 45ha, CCN làng nghề Tề Lỗ 2 quy mô 70ha, CCN làng nghề Đồng Văn 3 quy mô 50ha, CCN Duy Phiên 75ha; cụm CCN Vân Hội 60ha, CCN Xuân Lôi 57ha (nhu cầu dự kiến tăng lên 75ha trong giai đoạn 2031-2050), CCN Văn Quán – Triệu Đề 50 ha tại huyện Lập Thạch, CCN Thanh Lãng 52,6 ha; CCN Bá Hiển – Trung Mỹ 50ha, CCN Sơn Lôi 56ha, CCN Hợp Thành 50ha, CCN Yên Chung 50ha…
Để phát triển lĩnh vực công nghiệp theo chiều sâu, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia có dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ngoài hàng rào cho dự án của các nhà đầu tư chiến lược, hàng rào KCN; rút ngắn thời gian nhà đầu tư có thể tiếp cận được đất đai và triển khai dự án đầu tư sau khi đã được cấp phép đầu tư.
Nhờ vậy, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc luôn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của cả nước.
Lũy kế đến tháng 7/2024, toàn tỉnh thu hút được 476 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,3 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu và 842 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 143,678 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 1997-2021, GRDP của tỉnh tăng bình quân 13,44%/năm, trong đó, riêng ngành công nghiệp tăng 21,4%/năm, cao gấp đôi so với tăng trưởng của ngành dịch vụ và cao gấp 4 lần ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Hằng năm, đóng góp của các doanh nghiệp trong KCN chiếm 60 - 65% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; chiếm từ 60 - 65% giá trị xuất khẩu và nộp ngân sách chiếm 75-80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO