Xây dựng chuỗi liên kết bền vững hệ sinh thái rong biển khép kín

28/10/2024 13:31 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Ngày 25/10, tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững - Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khép kín chuỗi rong biển giá trị cao”.
Xây dựng chuỗi liên kết bền vững hệ sinh thái rong biển khép kín
Toàn cảnh hội thảo

Rong biển Việt Nam được phát triển hơn 10 năm trở lại đây. Diện tích rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 16.500 ha, với sản lượng 150.000 tấn. Rong biển được nuôi trồng nhiều ở vùng biển Bắc Bộ, tiếp đến là Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ… Tuy nhiên, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rong biển vẫn theo hình thức tự phát và chưa hình thành liên kết chuỗi. Cũng bởi vậy, giá rong biển nguyên liệu còn thấp và bấp bênh. Người dân ven biển cũng chưa mặn mà với rong biển.

Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ, qua 10 năm, ICAFIS thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản như: tôm, nghêu, hàu, cá tra… cho thấy, việc thúc đẩy liên kết chuỗi trong nuôi trồng, chế biến, phát triển thị trường thủy sản cần có sự hợp tác của các bên trong chuỗi liên kết.

Với rong biển, việc hợp tác cần khép kín liên kết chuỗi từ cây giống, vùng trồng, sản xuất, thương mại, tiêu thụ. Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực để người dân sẵn sàng trồng rong. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Hay những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong để làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm.

Vừa qua, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững đã phối hợp cùng Công ty TNHH JapiFoods thúc đẩy chương trình “Blue Ocean – Blue Foods” hướng tới xây dựng bể chứa carbon ngành thuỷ sản. Chương trình mục tiêu trong 3 năm tới có thể hỗ trợ người dân ven biển trồng được khoảng 1.000 ha rong biển.

Để đạt mục tiêu trên cần phát triển sản phẩm rong giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường; liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng trồng của người dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ, lợi ịch và giá trị. Từ đó người dân mới sẵn lòng trồng và phát triển rong.

Để xây dựng chuỗi với sản phẩm đầu ra có giá trị gia tăng cao, tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết liên kết khép kín chuỗi giá trị rong biển giá trị cao giữa Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Công ty TNHH JapiFoods và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Phát STP; đồng thời ra mắt các sản phẩm rong biển giá trị cao Việt Nam.

Theo đó, Công ty TNHH JapiFoods là đơn vị thu mua các nguyên liệu rong từ các vùng nguyên liệu trồng của người nông dân, hợp tác xã, đơn vị cung ứng nguyên liệu và chế biến thành phẩm các sản phẩm chiết xuất từ rong. 100% diện tích nuôi trồng trong hợp tác sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá không thấp hơn giá trị trường. Công ty cổ phần tập đoàn Trường Phát STP với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thử nghiệm và phát triển trồng rong, sẽ là đơn vị cung ứng nguồn giống rong và cung cấp nguyên liệu rong cho doanh nghiệp chế biến.

Xây dựng chuỗi liên kết bền vững hệ sinh thái rong biển khép kín

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP chia sẻ, doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa rong biển ra miền Bắc. Hiện doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Long Hải. Qua hợp tác này, công ty mong muốn tìm kiếm các đơn vị như JapiFoods để tạo giá trị cao hơn cho rong biển Việt Nam, đặc biệt là sẽ tăng thu nhập cho người nuôi trồng khi tham gia chuỗi giá trị này. Cùng với đó là từng bước phát triển ngành công nghiệp chế biến rong với sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cho rằng, cần xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cho rong biển, vì nhiều lý do, như: Đảm bảo chất lượng sản phẩm từ nguồn gốc đến thành phẩm; tạo ra giá trị bền vững cho ngành công nghiệp rong biển; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh và an toàn; tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho ngư dân; chuyển giao công nghệ và kiến thức; giảm thiểu tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học biển; tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững...

“Việc sử dụng sản phẩm từ rong biển là một lựa chọn thân thiện với môi trường, giúp người tiêu dùng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Giám đốc Japi Foods nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất, đồng tình để nghề nuôi trồng rong, tảo biển ở Việt Nam phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (rong, tảo có khả năng hấp thụ tốt khi CO2) trong thời gian tới rất cần xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với nông, ngư dân.

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động