Xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

13/06/2023 19:16 Tăng trưởng xanh
Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” là hoạt động thiết thực triển khai Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Sáng ngày 12/6 vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm và giám sát quá trình thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

“Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng, ...” - TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM phát biểu tại diễn đàn
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM phát biểu tại diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, ông Dennis Quennet - cố vấn trưởng Chương trình cải cách vĩ mô, tăng trưởng xanh GIZ cho hay: ... kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất, gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối về các dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn cho phép tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế tuần hoàn là bài toán khó, cần có cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chia sẻ về khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện CIEM đã đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như sau:

“Ở Việt Nam đã có một số nhóm chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn, song còn thiếu nhiều. Một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện nhưng là những mô hình kiểu cũ như mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC), mô hình tái chế rác thải nhựa… Ngoài ra, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bất cập, cộng thêm hạn chế về năng lực khiến các doanh nghiệp không dám mạnh dạn theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn.”

Vì vậy, việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp,…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương. Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn - nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đây chính là một yêu cầu quan trọng.

Linh Nguyên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động