10 dấu ấn định hình mục tiêu phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023
Trong đó 10 dấu ấn quan trọng diễn ra trong năm 2023 dưới đây đã phần nào định hình được mục tiêu phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai:
TP. Hồ Chí Minh hướng mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững |
1. Tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023
Với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”, Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023 đã thu hút sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, hơn 1.400 đại biểu trong nước và quốc tế.
Diễn đàn kéo dài xuyên suốt từ 13-17/9/2023 xoay quanh 6 chủ đề lớn: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TP. Hồ Chí Minh và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.
TP. Hồ Chí Minh gặt hái được nhiều thành công tại Diễn đàn kinh tế TP. HCM năm 2023 |
Dấu ấn tại diễn đàn là thông điệp tích cực về việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cởi mở nhằm phát triển, thu hút những ngành kinh tế giàu trí thức phục vụ cho phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh của lãnh đạo thành phố. Đặc biệt tại tiệc trà, 100 CEO hàng đầu thế giới đã tham dự đã cùng trao đổi, tư vấn, hiến kế cho TP. Hồ Chí Minh theo đuổi phát triển kinh tế xanh.
2. Hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi.
Đồng thời, tăng cường kết nối liên vùng, hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: Phát triển nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế); xây dựng hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên); phát triển hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh); xác định ngành và lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh).
Các quy chuẩn được ban hành dựa trên các quy chuẩn, thông lệ quốc tế để có những khung chi phối từ sản xuất đến tiêu dùng, các yếu tố hỗ trợ phát triển xanh. Đồng thời bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới net zero vào năm 2050.
3. Khởi động dự án cải tạo môi trường 8.200 tỷ đồng
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045.
Dự án cải tạo môi trường này được kỳ vọng sẽ xóa được nhiều "điểm đen" về ô nhiễm và làm thay đổi diện mạo TP. HCM |
Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Dự án sẽ thực hiện nạo vét trên toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên với chiều dài 31,46km; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.
4. Hồi sinh tuyến kênh ô nhiễm nhất sau hơn 2 thập kỷ “đặt lên để xuống”
Rạch Xuyên Tâm là một trong những tuyến rạch ô nhiễm nặng nề nhất TP. Hồ Chí Minh. Sau hơn 20 năm “đặt lên để xuống”, đến đầu tháng 10/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.
Phối cảnh rạch Xuyên Tâm sau khi hoàn thành dự án |
Theo đó, tổng chiều dài gần 9 km của tuyến rạch này sẽ được cải tạo với mức đầu tư lên đến 9.664 tỉ đồng. Toàn bộ tuyến kè được bảo vệ bằng cừ bê tông dự ứng lực, lòng rạch được nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20 - 30 m. Hai bên rạch xây dựng đường giao thông quy mô 2 làn xe mỗi bên cùng công viên, mảng xanh, đèn chiếu sáng.
Tuyến kênh đi qua 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh, với 1.880 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó Gò Vấp 84 trường hợp, Bình Thạnh 1.796 trường hợp.
Để chuẩn bị tái định cư cho dự án, TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh (P.12, Q.Bình Thạnh) quy mô 850 căn hộ.
Hiện công tác bồi thường đang gấp rút được triển khai, dự kiến dự án sẽ bắt đầu khởi công giai đoạn 1 vào tháng 8/2024.
5. Đưa vào vận hành trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường
Trung tâm với chức năng quan trắc, điều tra, cung cấp dữ liệu về tài nguyên, môi trường, giúp xử lý ô nhiễm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào vận hành.
Có trung tâm quan trắc môi trường TP. HCM sẽ được kiểm soát chặt chẻ và xử lý kịp thời hơn |
Theo đó, dữ liệu quan trắc nước thải tự động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp được truyền về trung tâm với các thông số chất lượng nước đầu ra của hệ thống xử lý nước thải. Nếu mức thải vượt ngưỡng, trung tâm cảnh báo chủ nguồn thải xử lý hoặc chuyển dữ liệu qua cơ quan quản lý để giải quyết kịp thời. Ngoài ra, đơn vị này cũng cung ứng các dịch vụ, tư vấn về quan trắc, phân tích môi trường.
Trước đây do không có nơi lập phòng thí nghiệm, các cơ quan chuyên môn của trung tâm chưa được bố trí tập trung dẫn đến công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường gặp khó khăn.
6. Hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải lớn nhất
Với công suất 469.000 m3 ngày đêm, nhà máy Bình Hưng hiện là nhà máy có công suất xử lý nước thải lớn nhất TP. Hồ Chí Minh hiện nay được đầu tư hoàn thiện.
Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TP. HCM tính đến thời điểm hiện tại |
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước. Gói thầu này được triển khai nhằm thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100 ha, thuộc các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11.
Thông qua xử lý nước thải, nhà máy giúp giảm ô nhiễm lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.
7. Biến bãi rác thành công viên, sân golf tiêu chuẩn quốc tế
Sau hơn 20 năm gây ám ảnh vì ô nhiễm môi trường, bãi trung chuyển rác Khu dân cư Vĩnh Lộc đã biến thành công viên lớn nhất Bình Tân, rộng 3,6ha.
Đây là kết quả này từ sự quan tâm, có ý kiến tháo gỡ khó khăn và giám sát hiệu quả của Đại biểu Quốc hội đơn vị quận Bình Tân, sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của địa phương và tinh thần trách nhiệm của Công ty Dịch vụ công ích quận 5.
TP. HCM sẽ tiếp tục biến bãi rác Đông Thạnh thành sân golf 18 lỗ đẳng cấp quốc tế |
Tương tự, hiện TP. Hồ Chí Minh cũng đang lên kế hoạch biến bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) thành sân golf đẳng cấp thế giới từ đề xuất của Tập đoàn Sudokwon Landfill site - SLC thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc và Công ty Quản lý tài sản Global One chuyên đầu tư dự án hạ tầng, thành phố thông minh, hệ thống sân golf, xử lý môi trường, xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt.
8. Thí điểm giao dịch tín chỉ carbon
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thông tin đến các nhà đầu tư cụ thể về kế hoạch thí điểm xây dựng huyện Cần Giờ trở thành địa phương xanh, tiên phong thực hiện mục tiêu net zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
TP. HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để triển khai thí điểm giao dịch tín chỉ carbon |
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại Cần Giờ.
Đặc biệt về tín chỉ carbon, với nghị quyết 98, TP.Hồ Chí Minh sẽ sớm triển khai thí điểm giao dịch tín chỉ carbon.
9. Lần đầu vinh danh doanh nghiệp xanh
Lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh tổ chức vinh danh doanh nghiệp xanh của thành phố. Theo đó, 90 doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định về môi trường, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành… đã được tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM”.
Lần đầu tiên TP. HCM vinh doanh các doanh nghiệp xanh của địa phương |
Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh TP.HCM” sẽ được duy trì hằng năm để trao cho doanh nghiệp đủ điều kiện, tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thành phố tích cực hưởng ứng và chuyển đổi xanh theo các tiêu chí của hành trình Net Zero.
10. Phủ điện mặt trời mái nhà trụ sở công
TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà gần 1.800 cơ quan Nhà nước, với tổng công suất là 160MWp.
TP. HCM quan tâm phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo |
Quyết định này không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh có nguồn điện cung cấp tại chỗ mà còn là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh.
Thanh Hải
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.