Ba nền tảng của Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0
Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Trước xu thế này, Đảng và Chính phủ đã có định hướng xây dựng chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện tốt CMCN 4.0 là cần thiết và cấp bách để tranh thủ lợi ích tối đa của CMCN 4.0, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một nước phát triển hiện đại, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 được xây dựng trên ba nền tảng. |
Theo đó, Chiến lược định hướng áp dụng và phát triển các công nghệ của CMCN 4.0 giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước thông minh hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn; đem lại sự hài lòng cao cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để nâng cấp, chuyển đổi hệ thống sản xuất và kinh doanh hiện tại để tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, cắt giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện nâng cấp, chuyển đổi công nghệ bao gồm: Hành chính công, điện - nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, vận tải và kho vận, thương mại, thông tin và truyền thông, tài chính – ngân hàng.
Các công nghệ ưu tiên phát triển bao gồm: Kết nối di động 5G và sau 5G; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, an ninh mạng...
Chiến lược đặt mục tiêu: Đến năm 2025, hạ tầng internet cáp quang và internet di động băng rộng tốc độ cao (4G và 5G) phủ sóng toàn bộ các xã, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 90%, đến năm 2030, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 100%.
Đến năm 2025, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng CNTT trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động...
Chiến lược được xây dựng trên ba nền tảng:
Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh các yếu tố nền tảng này, dự kiến Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai nhiều nhóm chính sách quan trọng như: áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; cơ cấu lại, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu; thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn cấp cao & Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) được tổ chức ngày 03/10, nhằm công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. |