An Giang: Xả lũ gây thiệt hại hành chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân
Bài 1: Hàng chục hecta cây ăn trái “chết đuối”
Trắng tay vì xả lũ
Nước lũ dâng cao khiến cho nhiều đê chắn nước của các vườn cây bị vỡ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Trong những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện Phú Tân được khuyến khích chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nhiều hộ dân, nhà đầu tư đã mạnh dạn tham gia nhằm tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bao nhiêu công sức, vốn đầu tư của người dân, doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh An Giang sau đợt xả lũ có nhiều dấu hiệu bất thường vừa qua tại huyện Phú Tân. Nhiều diện tích cây ăn trái tại các xã Hiệp Xương, Phú Thành (huyện Phú Tân) đã bắt đầu có dấu hiệu “đuối nước”, doanh nghiệp và nhiều hộ dân đang đối diện với nguy cơ mất trắng.
Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay bởi nước lũ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Nhiều chủ doanh nghiệp và các hộ dân cho biết, được khuyến khích từ chính quyền địa phương nên họ đã dùng cả gia sản, thậm chí thế chấp tài sản vay ngân hàng để đầu tư trồng cây ăn trái như: mãng cầu, mít, cam, chanh…
Chủ một trong những doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng để chuyển đổi 8ha đất trồng lúa sang trồng mãn cầu Đài Loan theo hướng nông nghiệp sạch tại xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân) - ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty Kim Trường Phát cho biết, trang trại Kim Trường Phát chuyên canh mãn cầu Đài Loan có quy mô lớn nhất tại huyện Phú Tân tình đến thời điểm hiện nay.
Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay bởi nước lũ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Khi tiến hành đầu tư, trang trại trồng mãn cầu Đài Loan của Công ty Kim Trường Phát đã nhận được nhiều kỳ vọng của chính quyền địa phương và được xem là hình mẫu cho sự chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trang trại trồng na Đài Loan của Công ty Kim Trường Phát đã được đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang và lãnh đạo chính quyền địa phương tới thăm và đánh giá rất cao.
Ngoài xây dựng mô hình sản xuất, Công ty Kim Trường Phát còn cung cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đi đến thoát nghèo và ổn định cuộc sống như hộ ông: Trần Văn Phường (xã Hiệp Xương), hộ ông Trần Công Tâm (xã Phú Thành), hộ ông Võ Văn On (xã Phú Thành)…
Tuy nhiên, mùa nước lũ năm nay, UBND huyện Phú Tân đã cho xả lũ vào các cánh đồng thuộc xã Hiệp Xương, xã Phú Thành… để lấy phù sa cho bà con trồng lúa nước mà không có biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa ngăn lũ tràn vào diện tích đất trồng cây ăn trái của Công ty Kim Trường Phát và bà con nhân dân.
Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay bởi nước lũ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Hậu quả là hàng chục hecta cây ăn trái của Công ty Kim Trường Phát và các hộ dân tại địa phương bị nước lũ nhấn chìm. Trong đó, có nhiều diện tích bị ngập úng hoàn toàn gây mất trắng 100%. Điều này làm cho Công ty Kim Trường Phát và hàng chục hộ dân lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhiều gia đình có nguy cơ phá sản vì hầu hết vốn đầu tư sản xuất phải vay từ ngân hàng.
Người dân, doanh nghiệp kêu cứu
Theo ghi nhận của congnghiepmoitruong.vn từ hiện trường những ngày cuối tháng 10/2022, lượng nước vẫn đổ về tương đối lớn khiến cho nhiều khu vực cánh đồng thuộc xã Hiệp Xương, xã Phú Thành nước dâng cao. Hệ thống đê ngăn nước của các diện tích trồng cây ăn trái bị nước tràn qua hoặc bị vỡ khiến hàng chục hecta cây ăn trái trồng mới và đang trong thu hoạch bị ảnh hưởng một phần hoặc mất trắng hoàn toàn.
Tại trang trại gần 8ha mãn cầu Đài Loan của Công ty Kim Trường Phát và gần 1ha của gia đình ông Trần Văn Phường tại xã Hiệp Xương bị vỡ bờ bao gây thiệt hại 100% diện tích. Bên cạnh đó, vườn cây ăn trái của hàng chục hộ gia đình khác tại xã Phú Thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay bởi nước lũ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Trao đổi với congnghiepmoitruong.vn, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Kim Trường Phát ngậm ngùi cho biết: “Hưởng ứng sự kêu gọi của lãnh đạo địa phương, tôi trở về quê đầu tư gần 12 tỷ đồng trồng gần 8ha mãn cầu Đài Loan theo công nghệ sạch để xuất khẩu. Sau gần ba năm, bắt đầu thu hoạch thì gặp việc xả lũ sông Vàm Nao không kiểm soát, khiến mực nước dâng cao bất thường làm cho chúng tôi trở tay không kịp. Đợt đầu nước lũ tràn đê bao gây thiệt hại gần 50%, đợt thứ hai đê bao bị vỡ khiến cho toàn bộ diện tích hoa màu và cá của chúng tôi mất trắng hoàn toàn… Tôi và nhiều người dân đã nhiều lần phản ánh lên lãnh đạo xã Hiệp Xương, xã Phú Thành và lãnh đạo huyện Phú Tân để phản ánh về việc xả nước không kiểm soát trước đó nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời”.
Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay bởi nước lũ (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
“Thay mặt cho doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại, tôi đề nghị các cấp chính quyền cũng như các cơ quan chức năng rà soát thiệt hại và có chính sách hỗ trợ để cho người dân chúng tôi tái cơ cấu sản xuất, trồng trọt. Đồng thời, trước khi xả lũ phải tiến hành họp dân để thông báo kế hoạch cũng như mực nước khi xã lũ giúp người dân kịp thời gia cố đê điều nhằm phòng tránh, bảo vệ diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức họp dân để lắng nghe nguyện vọng tâm tư của người dân, cũng như doanh nghiệp để mọi người yên tâm canh tác và trồng trọt. Đó cũng là điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư, giúp gia tăng thu nhập của người dân, cũng như phát triển kinh tế địa phương” - Ông Huy đề nghị.
Ông Trần Văn Phường - một nông dân tại xã Hiệp Xương bật khóc ngay tại vườn cây mất trắng (hình Minh Đức - Linh Nguyên) |
Bất lực nhìn 1ha mãn cầu Đài Loan gần 5 năm tuổi đang cho thu hoạch chìm trong nước lũ, ông Trần Văn Phường - một nông dân tại xã Hiệp Xương bật khóc: “Toàn bộ diện tích gần 1 ha na đang cho thu hoạch mất trắng hoàn toàn khiến cho gia đình tôi lâm vào cảnh trắng tay. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được một lời thăm hỏi, kiểm tra nào từ chính quyền địa phương. Giờ đây tôi không biết lấy gì để nuôi con cái ăn học và trả nợ ngân hàng. Hy vọng lãnh đạo địa phương và lãnh đạo tỉnh An Giang có các biện pháp cấp bách hỗ trợ gia đình tôi một số vốn để trồng lại từ đầu nhằm có điều kiện duy trì cuộc sống qua ngày…”.
Trường Giang - Phạm Sinh