Thực trạng rác thải đáng báo động ở Đồng bằng sông Cửu Long
Lãnh đạo các Bộ ngành và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng các nhà khoa học tìm giải pháp công nghệ tối ưu để xử lý rác thải sinh hoạt cho khu vực ĐBSCL |
Tại hội thảo khoa học “Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt - thực trạng và giải pháp” do Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức, ngày 9/12/2023. PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bến Tre nêu thực trạng, hiện tổng lượng rác toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4.200 tấn/ngày. Trong đó, lượng thu gom từ các thành phố thị trấn khoảng 3.200 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 70-80%. Số còn lại không được quản lý, được người dân, các cơ sở không tuân thủ theo các quy định của các đô thị, tự xả xuống các sông, kênh rạch… gây ô nhiễm các sông rạch, ảnh hưởng đến môi trường chung trong khu vực.
Trong đó, đáng báo động nhất là TP. Cần Thơ - trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lượng rác không được thu gom, được người dân thải vào các ao, sông, rạch... cao hơn mức trung bình khu vực. Cụ thể, mỗi ngày TP. Cần Thơ thải ra khoảng 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thu gom chưa tới 70%. Hơn 30% không được thu gom, người dân thải vào các ao, sông, rạch...
Theo Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bến Tre - PGS.TS. Lâm Văn Tân, hầu hết các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có bãi rác quy mô nhỏ từ 10-20 ha phục vụ cho thành phố, thị xã như Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Riêng Long An đang triển khai dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tại Thủ Thừa quy mô 1.760 ha.
Ở Đồng bằng sông Cửu long, có đến 30% lượng rác thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống sông rạch, ao hồ... |
Tuy nhiên, hầu hết đều là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, rác gần như chỉ được chôn lấp tự nhiên chưa đúng quy trình, không có biện pháp thu hồi và xử lý nước rỉ rác. Đây cũng là tác nhân gây ô nhiễm về không khi (mùi), trực tiếp và gián tiếp gây ô nhiễm kênh rạch, tầng nước ngầm, đồng ruộng và khu vực nuôi thủy sản.
Một thực trạng đáng báo động nữa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là hầu hết các khu công nghiệp chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp. Lâu nay chất thải rắn công nghiệp vẫn chủ yếu được thu gom và xử lý cùng rác thải sinh hoạt.
Cũng cần phải nói thêm rằng, hiện tất cả các khu, cụm công nghiệp nói riêng và trên địa bàn trong vùng nói chung đều chưa bố trí được quỹ đất cũng như đầu tư công nghệ tiêu hủy, xử lý chất thải rắn công nghiệp.
Theo PGS.TS. Lâm Văn Tân, đây được xem là nguyên nhân quan trọng gây suy thoái môi trường trong vùng. Chất thải rắn trong vùng đa phần đều không được phân loại tại nguồn mà được thu lẫn lộn sau đó được vận chuyển tới bãi chôn lấp lộ thiên chưa hề được xử lý khiến ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cũng như sức khỏe của người dân.
“Rác thải ngày càng quá tải, nhưng nhiều dự án xử lý rác “chết lâm sàng”, đắp chiếu, thậm chi phải thu hồi để tìm chủ đầu tư mới. Có địa phương còn chưa có nhà máy xử lý rác…” - PGS.TS. Lâm Văn Tân nêu thực trạng nhức nhối đang diễn ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, 70% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý bằng phương pháp chôn lấp tự nhiên gây quá tải, không đảm bảo môi trường - Ảnh: Rác thải sinh hoạt ùn ứ do sự cố môi trường ở Bến Tre hồi tháng 6/2023. |
Dẫn chứng cho thực trạng này, PGS.TS. Lâm Văn Tân liệt kê: Dự án nhà máy Điện rác Plasma và năng lượng tái tạo KPP (đốt rác phát điện) tại Cà Mau; Bạc Liêu vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung; Trà Vinh đã chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thị xã Duyên Hải; Hậu Giang cũng thống nhất chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang.
Tại Kiên Giang, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa - nhà máy tiếp nhận lượng rác vượt công suất nên đề nghị chủ đầu tư nâng công suất, công suất 200 tấn/ngày, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa trình UBND tỉnh chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư nâng công suất nhà máy. Còn Nhà máy xử lý rác Bãi Bổn ở Phú Quốc của Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu, do thiết bị, công nghệ hoạt động không đáp ứng được công suất theo cam kết nên tỉnh Kiên Giang đã đã thu hồi chủ trương thực hiện dự án.
Thanh Hải